Trong bài viết với tựa
đề “Đại dịch có thể gây ra nạn đói?” đăng trên project-syndicate.org,
tác giả Martin Ravallion, Giáo sư Kinh tế tại trường Đại học Georgetown đồng
thời là cựu giám đốc bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, phân tích cách
thức mà lệnh phong tỏa có thể gây ra mối đe dọa tiềm ẩn với người nghèo, đặc
biệt nguy cơ họ rơi vào nạn đói. Tác giả cũng đưa ra một số khuyến nghị để các
nước nghèo có thể tránh được tình trạng này.
Theo bài viết, cú sốc
kinh tế và y tế khủng khiếp mà đại dịch COVID-19 gây ra không chỉ đang tác động
đến các nước giàu mà còn bắt đầu tác động sâu sắc đối với các nước đang phát
triển. Tuy nhiên, chúng ta không nên cho rằng các đối sách của nước giàu đối
với dịch bệnh là những phương cách tốt nhất đối với các nước đang phát triển
hoặc thậm chí khả thi. Ngược lại, chúng ta cần lường trước được những đánh đổi
đau đớn hơn và những khó khăn nghiệt ngã hơn ở những nước nghèo đói hơn.
Quả thực, việc ở trong
nhà và giãn cách xã hội phần lớn giúp giảm tốc độ lây lan virus ở các nước đang
phát triển cũng như ở các nước giàu có. Tuy nhiên, giãn cách xã hội lại đi kèm
với cái giá phải trả cao, nhất là đối với người nghèo vốn không có tiền tiết
kiệm và lương thực dự trữ, phụ thuộc phần nhiều vào lao động công nhật. Đây
không đơn thuần là sự đánh đổi quen thuộc song tàn khốc giữa an ninh kinh tế và
sức khỏe cá nhân mà nhiều người nghèo phải đối mặt, mà còn là sự đánh đổi giữa
hai khía cạnh: bệnh tật do virus với đói nghèo và suy dinh dưỡng gây ra do tình
trạng cô lập kinh tế và sự đứt gãy hoạt động của thị trường cùng các thể chế
lâu nay hỗ trợ người nghèo.
Phong tỏa gây ra những
mối đe dọa mới và có thể thậm chí có thể gây ra nạn đói ở một số quốc gia
nghèo. Cả nghiên cứu và thực tế đều chỉ ra cách thức mà nạn đói có thể hệ quả
của tình trạng các hoạt động kinh tế-xã hội bị gián đoạn do lệnh phong tỏa
nghiêm ngặt gây ra. Điều này rõ nét trong đợt bùng phát dịch bệnh Ebola hồi năm
2014 ở Sierra Leone, nơi sau đó nạn đói nhanh chóng nổi lên và trở thành một
mối đe dọa mới.
Mặc dù nạn đói đối với
người nghèo và nhóm người dễ bị tổn thương có thể là hậu quả của nhiều nguyên
nhân khác nhau, song vấn đề là ở khâu phân phối giữa người với người theo thời
gian. Ở đây, thị trường và các thể chế khác đóng một vai trò thiết yếu. Lệnh
phong tỏa có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất và khâu phân phối thực phẩm,
kèm theo đó là việc người nghèo bị tước mất nguồn thu nhập trong khi giá cả
thực phẩm lại tăng cao. Chúng ta hiểu rằng các chuỗi cung ứng thực phẩm hiện nay
đều dễ bị tổn thương, ngay cả ở những nước giàu có. Và ngay cả nếu nạn đói bị
đẩy lùi thì tình trạng suy dinh dưỡng có thể gây ra những hậu quả lâu dài, gồm
nguy cơ mắc các bệnh khác cao hơn.
Có những lý do khác cần
được lưu tâm, đó là nỗ lực triển khai lệnh phong tỏa để chống lại COVID-19 có
thể phản tác dụng đối với các nước nghèo. Trong ngắn hạn, việc áp đặt những
biện pháp này gây ra những dòng di cư quy mô lớn vốn có thể làm lây lan virus
nhanh hơn, đặc biệt đối với nhóm dân số nghèo và ở vùng nông thôn dễ bị tổn
thương. Việc cảnh sát và quân đội ép buộc thực thi lệnh phong tỏa gây ra nhiều
quan ngại hơn đối với an sinh của người nghèo, những người có nhu cầu lớn nhất
phải rời khỏi nhà để kiếm kế sinh nhai.
Trên hết, giới hoạch
định chính sách cần nhận ra rằng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở các nước
đang phát triển cũng làm gián đoạn hoạt động của những thể chế vốn giúp bảo vệ
người nghèo khi không xảy ra dịch bệnh.
Lệnh phong tỏa cũng có
nguy cơ gây ra tình trạng nghèo đói trong dài hạn sau khi mối đe dọa của chủng
virus này qua đi. Những tác động đối với trẻ em ngày là đáng quan ngại. Virus
sẽ đặt hệ thống y tế các nước đang phát triển vào tình trạng bị quá tải nghiêm
trọng bởi ngay cả trong thời kỳ không xảy ra dịch bệnh thì các hệ thống y tế
này đã rơi vào tình trạng thiếu thốn, đặc biệt đối với người nghèo. Tuy nhiên,
một số chính phủ của các nước đang phát triển lại tỏ ra như thể đại dịch
này đã được kiểm soát, hoặc rằng mối đe dọa của đại dịch này là nhỏ bé. Đây là
những ảo tưởng nguy hiểm.
Các thể chế dân chủ đóng
một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo việc cung cấp nguồn tin đáng tin cậy
cho công chúng, theo đó, giúp tránh xảy ra những sai lầm chính sách đồng thời
tạo điều kiện để đưa ra cách ứng phó mau lẹ. Việc hỗ trợ tiêu dùng cũng cần
thiết, có thể bằng tiền nếu thị trường lương thực vẫn hoạt động hoặc có thể
bằng hiện vật nếu thị trường không hoạt động. Phong tỏa mà không kèm hỗ trợ
người dân thì khó có thể “đi vào lòng người”, trong khi việc ép buộc dân phải
tuân thủ lại có thể đi kèm với thiệt hại khôn lường đối với người nghèo.
Những nước lâu nay đầu
tư vào công tác bảo vệ xã hội sẽ ở tâm thế đối phó tốt hơn so với những nước
không làm điều này khi dịch bệnh xảy ra. Việc thiết lập những chương trình xóa
đói giảm nghèo mới phải mất nhiều thời gian, vì vậy, chính phủ các nước đang
phát triển cần nhanh chóng tăng cường quy mô của các chương trình xóa đói giảm
nghèo hiện tại. Điều này có thể đòi hỏi một số điều chỉnh tạm thời như gỡ bỏ
các yêu cầu làm việc, các điều kiện đến trường, vốn đi ngược lại nhu cầu làm
chậm lại tốc độ lây lan virus.
Năng lực nhà nước hạn
chế cũng có thể là yếu tố làm trầm trọng thêm những thách thức mà các nước đang
phát triển phải đối mặt trong nỗ lực chống lại dịch bệnh. Do năng lực quản lý
hành chính công ở những nước nghèo hơn thường có xu hướng yếu kém nên một số
biện pháp mà các nước giàu triển khai và áp dụng lại tỏ ra không khả thi đối
với các nước nghèo. Vì vậy, việc điều chỉnh và thích ứng đối với những năng lực
hành chính địa phương mang tính hạn chế là điều cốt yếu.
Các nước nghèo hơn cũng
phải đối mặt với những eo hẹp tài chính. Đây chính là những nước cần các nước
giàu có hỗ trợ và giúp đỡ, bao gồm xóa nợ hoặc giãn nợ. Các nước giàu có thể
giúp đỡ ngay lúc này hoặc phải hứng chịu một cái giá đắt hơn nhiều về sau này./.
Hoa Chanh
Dịch bệnh này đã gây ra rất nhiều thiệt hại về kinh tế
Trả lờiXóa