Báo Asahi (Nhật
Bản) có bài viết đề cập tới một số lao động bất hợp pháp người Việt Nam tại
Nhật Bản khi không có việc làm, không thể trở về đất nước trong khi lại rất lo
sợ bị lây nhiễm dịch COVID-19 vì không có bảo hiểm y tế.
Theo bài viết, có
những thực tập sinh lao động Việt Nam do không chịu được cách đối xử hà khắc
của chủ lao động nên đã bỏ ra ngoài (trở thành người cư trú bất hợp pháp), tuy
nhiên, trong cơn dịch COVID-19 đang lây lan nhanh khắp nơi ở Nhật Bản hiện nay
thì một số người dù muốn ra đầu thú để được về nước thì cũng không thể về nước.
Do bỏ trốn khỏi nơi làm việc ký theo hợp đồng, những người này không có bảo
hiểm y tế nên nếu chẳng may bị lây nhiễm thì cũng không thể đi khám bệnh. Một
số bác sĩ cho rằng nếu không có biện pháp xử lý tình huống này một cách phù hợp
thì sẽ nảy sinh ảnh hưởng lớn tới toàn xã hội.
Một thực tập sinh
bỏ trốn 29 tuổi người Việt Nam tên là Bê cho biết “Tôi rất sợ lây nhiễm
virus corona. Tôi cũng không có việc làm. Tôi muốn nhanh chóng được trở về Việt
Nam”. Người này đến Nhật Bản cách đây 6 năm với tư cách thực tập sinh lao
động. Để đến được Nhật Bản, Bê đã vay nợ 1,1 triệu Yên (khoảng 230 triệu đồng).
Ban đầu, người này làm công việc tháo dỡ tại các công trình xây dựng ở tỉnh
Fukushima với mức lương tháng là 90.000 Yên (19 triệu đồng). Cho rằng đồng
lương này sẽ không thể trả món nợ ở quê nhà, Bê đã bỏ trốn ra ngoài và trải qua
các công việc như hàn kim loại, làm mì sợi hay làm việc tại siêu thị. Tuy
nhiên, kể từ đầu năm nay, do ảnh hưởng của COVID-19, việc làm bắt đầu ít dần.
Do đó, anh này quyết định lên Cục xuất nhập cảnh đầu thú để trở về nước. Tuy đã
tự mình đặt mua vé máy bay, nhưng sau đó do các hãng bay hủy chuyến nên Bê vẫn
chưa thể trở về nước được.
Chính phủ Việt Nam ngày 22/3 đã quyết
định hạn chế nhập cảnh với du khách nước ngoài, do vậy các hãng hàng không Việt
Nam cũng đã ngừng vận hành các chuyến bay quốc tế từ ngày 25/3.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã
thực hiện một khảo sát nhu cầu của người Việt Nam tại Nhật Bản muốn trở về
nước. Tuy đã có một chuyến bay được thực hiện vào cuối tháng 3/2020, nhưng số
lượng người muốn về nước bị rớt lại vẫn còn nhiều. Một số bạn bè của Bê cũng đã
ra đầu thú, nhưng cũng chưa thể trở về nước. Một nhà sư tại chùa Nisshinkutsu
tại Tokyo thường hỗ trợ người Việt cho biết “có những người sau khi ra đầu
thú, nhưng chưa thể trở về nước khiến họ lâm vào tình thế không có chỗ ở, cũng
không có thức ăn”.
Liên tiếp có các cuộc gọi điện đến Hội
người Việt Nam tại Nhật Bản để hỏi về tình hình dịch bệnh hay làm thế nào để
trở về Việt Nam. Thậm chí, có những lao động bất hợp pháp cho biết “nếu phải
chết thì cũng muốn chết ở Việt Nam”. Theo Cục xuất nhập cảnh Nhật Bản, số lượng
người cư trú bất hợp pháp ra đầu thú trong giai đoạn cuối tháng 2 đến tháng
3/2020 tăng vọt so với thời gian trước đó.
Bác sĩ Yamamura Junpei ở thành phố
Yokohama, người thực hiện tư vấn miễn phí cho cộng đồng dân di cư và tị nạn,
cảnh báo do đây là người cư trú bất hợp pháp nên những người này không được
hưởng chế độ chăm sóc y tế, nếu bỏ sót sự lây nhiễm trong nhóm người này, họ sẽ
trở thành nguồn lây nhiễm và lây nhiễm ngược trở lại xã hội.
Cũng có nhiều người cư trú bất hợp pháp
do lo sợ bị báo cảnh sát nên dù có ốm đau cũng không dám đi viện. Do nguy cơ
tiềm ẩn nên có thể bệnh dịch sẽ lây nhiễm rộng hơn, hoặc là chi phí y tế cho
những người này sẽ cao hơn vì họ để bệnh tình trở nên nặng hơn mới bị phát
hiện. Nếu phát hiện sớm những trường hợp này thì gánh nặng về kinh tế đối với
xã hội sẽ giảm đi. Do vậy, bác sĩ Yamamura cho rằng cần phải có biện pháp đối
xử thích hợp hơn với những người này, như không báo cảnh sát bắt họ trong thời
gian xét nghiệm hay điều trị.
Bệnh tật thường tấn công những người
yếu thế trong xã hội. Theo thống đốc New York thì số lượng người nghèo và người
da đen, người gốc Mỹ Latinh chiếm phần nhiều trong số những người tử vong do
dịch COVID-19 tại thành phố này./.
Hoa Chanh
Sống ở nơi đất khách quê người không hề đơn giản
Trả lờiXóa