Thứ Ba, 5 tháng 5, 2020

Tình hình kinh tế ASEAN và “ngoại lệ” Việt Nam

TTXVN (VOANews) – Trang VOANews ngày 28/4 đăng bài cho rằng các chỉ số, từ doanh thu tại các rạp chiếu phim cho đến lưu lượng hành khách tới sân bay, đang củng cố nhận định rằng suy thoái đang diễn ra ở một số nền kinh tế Đông Nam Á và sắp xảy ra ở các nước khác, phần nhiều do COVID-19.

Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Capital Economics, 8/10 quốc gia trong khu vực sẽ chứng kiến tăng trưởng GDP âm trong năm 2020. Việt Nam và Myanmar là trường hợp ngoại lệ. GDP của Singapore đã sụt giảm ngay trong quý I, trong khi Thái Lan, Malaysia và Philippines là những quốc gia sẽ chịu tổn thất kinh tế nặng nề nhất trong năm 2020.
Theo Capital Economics, các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng vốn là chìa khóa cho chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trải qua cú sốc lớn trong năm nay. GDP của cả khu vực Đông Nam Á sẽ giảm khoảng 10% trong năm 2020, so với mức tăng xấp xỉ 5% của năm 2019. Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez thừa nhận: “COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho chúng tôi”. Ông cho rằng chính phủ Philippines cần hỗ trợ kinh tế cho người dân: “Chương trình này trước tiên là để giúp đỡ các hộ nghèo nhất, sau đó hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ…”. Việc hạn chế du lịch, xuất khẩu và kiều hối giảm đang gây tổn hại cho nền kinh tế của Philippines. Các nhà kinh tế cho rằng quốc gia này là một trong những nước áp dụng các quy tắc cách ly, phong tỏa quyết liệt nhất trong khu vực, bao gồm cả việc bắt giữ những đối tượng vi phạm quy định của chính phủ.
Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của Philippines. Đây cũng là những vấn đề phổ biến trong khu vực vì các nền kinh tế Đông Nam Á phần nhiều phụ thuộc vào du lịch. Một số quốc gia có vị trí quan trọng đối với thương mại toàn cầu, vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc và các nước này đi khắp nơi trên thế giới. Do đó, tăng trưởng kinh tế nhờ thương mại đã trở thành một công cụ chính mà các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á sử dụng để chuyển sang nhóm thu nhập trung bình. Thêm vào đó là sự bất ổn trong lĩnh vực dầu mỏ. Giá dầu giảm mạnh gây thiệt hại nặng cho Malaysia, Indonesia và Brunei, 3 nền kinh tế Đông Nam Á có nguồn thu lớn từ xuất khẩu dầu.
Amy Searight, cố vấn cấp cao của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS – Mỹ) cho rằng: “Các nền kinh tế của ASEAN đã được chuẩn bị tốt hơn so với cuộc Khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra ở khu vực này hơn 2 thập kỷ trước, với dự trữ ngoại hối lớn hơn và vị thế kinh tế vĩ mô tốt hơn so với khả năng của họ vào cuối những năm 1990”. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế học  Gareth Leather của Capital Economics, “cú sốc kinh tế từ COVID-19 có thể sâu sắc và dai dẳng hơn”.
Đối với nhiều nước thành viên ASEAN, dự báo ảm đạm của năm nay là kết quả kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Hầu hết các nước đã tung ra các gói cứu trợ kinh tế để đối phó với COVID-19, như viện trợ cho người dân, giảm thuế và  cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp. Không chỉ chính phủ, khu vực tư nhân cũng đang có các động thái tương tự. Tại Singapore, Cisco đã giới thiệu một chương trình tài chính cho khách hàng, cho phép họ có thể hoãn thanh toán trong nhiều trường hợp cho đến tận năm sau.
Andy Lee, giám đốc điều hành của Cisco tại Singapore, cho biết đây là một phần trong “cam kết của công ty nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và đối tác của chúng tôi tại Singapore trong giai đoạn khó khăn này”./.
Hoa Chanh

1 nhận xét:

  1. Dịch bệnh như vậy thì tổn hại kinh tế là điều đương nhiên rồi

    Trả lờiXóa