Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Nhận diện nguy cơ “diễn biến hòa bình” về văn hóa

Trong những năm gần đây, lợi dụng chủ trương hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới của Đảng, Nhà nước Việt Nam, các thế lực thù địch càng có cơ hội đẩy mạnh âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, nhằm phủ nhận những thành quả của cách mạng Việt Nam, thay đổi theo chiều hướng tiêu cực nền tảng tinh thần của xã hội.
Từ đó, hướng tới âm mưu tạo ra những cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng nhung” nhằm thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Hơn lúc nào hết, việc giữ gìn bản sắc văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội cần được đẩy mạnh, củng cố niềm tin cho nhân dân vào con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà dân tộc Việt Nam đã lựa chọn.
Giữ gìn bản sắc văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội 
Khi nền văn hóa bản địa bị xâm thực, nền tảng tinh thần xã hội bị lung lay, đổ vỡ thể chế chính trị là diễn trình tất yếu…
Từ năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, cùng với âm mưu xâm lăng nước ta bằng quân sự, các nước đế quốc còn thực hiện âm mưu xóa bỏ những giá trị truyền thống, tinh hoa văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Cuộc đấu tranh này ở nước ta, theo thời gian, theo sự phát triển của xã hội ngày càng diễn ra rất phức tạp, gay go và quyết liệt.
Nguy cơ “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng diễn ra từ hai góc độ: Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và xu hướng “tự chuyển hóa” của những đối tượng yếu kém bản lĩnh chính trị trước sự biến động của xã hội.
Ở góc độ chống phá của các thế lực thù địch, biểu hiện rõ nét nhất là hoạt động xuyên tạc, bôi đen giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống XHCN, ra sức du nhập văn hóa, đạo đức, lối sống tư sản thực dụng, trụy lạc, tôn thờ đồng tiền là trên hết, sống ích kỷ, phi đạo đức. Cùng đó, các thế lực thù địch luôn khuyến khích khuynh hướng đòi văn hóa, văn nghệ hoạt động độc lập với chính trị, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực này.
Trong nhiều năm qua, đã có không ít văn nghệ sĩ lạc đường, từ bỏ lợi ích của quốc gia, dân tộc, chuyển sang sáng tác theo khuynh hướng văn hóa, nghệ thuật phương Tây, hạ thấp, coi rẻ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, khuyến khích các giá trị văn hóa cá nhân cực đoan, đề cao giá trị dân chủ, tự do tư sản. Thậm chí, đã xuất hiện những sáng tác miêu tả cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta mang một màu đen tối, chết chóc, bi kịch, vô nghĩa; phủ định những sáng tạo văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ chiến tranh, coi đó là “minh họa”, là tô hồng, là cao hơn, là đứng trên hiện thực. Chúng ta không phủ nhận những hạn chế lịch sử của mảng văn học, nghệ thuật trong chiến tranh nhưng không thể nhân danh đổi mới để bôi nhọ cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc bằng việc chỉ miêu tả mặt đen tối, sự chết chóc và tha hóa con người trong chiến tranh. Khuynh hướng này chỉ là phiến diện, chưa trung thực với lịch sử. Với vai trò văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, những sản phẩm đội danh văn hóa này đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ làm tha hóa thế hệ trẻ, tạo ra một thế hệ “mất gốc”, phủ nhận các giá trị truyền thống dân tộc, thích đua đòi, ăn chơi hưởng lạc, kích thích các tệ nạn xã hội phát triển.
Ở góc độ chủ quan những người “tự chuyển hóa”, khi đất nước mở cửa sâu rộng với thế giới, những yếu tố có khả năng tác động tới sự biến đổi về xã hội ùa vào theo là vấn đề tất yếu. Đó bao gồm hai sản phẩm cơ bản: Văn hóa và tiêu dùng. Cả hai sản phẩm này, dù được nhập khẩu chính ngạch nhưng đều mang tính hai mặt, đặc biệt với sản phẩm văn hóa. Những sản phẩm văn hóa được phép lưu hành đều mang những giá trị nhất định về chân-thiện-mỹ, cổ vũ lối sống lành mạnh, tốt đẹp. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là việc phổ biến những giá trị văn hóa, hình ảnh xã hội khác biệt, thậm chí đi ngược với những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Dưới góc độ hội nhập, chúng ta không thể không tiếp thu những tinh hoa của văn hóa thế giới nhằm bổ sung, làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, nếu việc tiếp thu thiếu chủ động, không đủ bản lĩnh, năng lực để chỉ lựa chọn cái tốt, cái có ích cho đời sống văn hóa thì quá trình hội nhập về văn hóa sẽ trở thành nguy cơ làm “biến màu” nền văn hóa bản địa.
Đối với sản phẩm tiêu dùng, là những thứ vô cùng gần gũi trong cuộc sống mỗi người, như: Cái ăn, cái mặc, cái làm đẹp, sự tác động về văn hóa diễn ra âm thầm nhưng không kém phần mạnh mẽ. Bởi lẽ, bất cứ lĩnh vực nào, sản phẩm gì trong xã hội đều ẩn chứa yếu tố văn hóa. Một chiếc quần Jean gắn với hình ảnh chàng Cowboy miền Tây nước Mỹ. Một chiếc ô tô Mercedez gắn với văn hóa Đức. Một sản phẩm tiêu dùng tốt, bền, giá cả phải chăng thường gắn với hình ảnh đất nước Mặt trời mọc… Khi quen thuộc với những sản phẩm tiêu dùng ấy, đồng nghĩa với việc người sử dụng trở nên “thân thiết” với nền văn hóa làm ra chúng. Từ đó, tâm lý sùng bái hàng ngoại có thể tiếp biến thành sùng bái văn hóa ngoại.
Những tác động của văn hóa lên nền tảng tư tưởng xã hội thường không mang tính chất tức thời mà là một quá trình “mưa dầm thấm lâu”. Tuy nhiên, sự chuyển biến chậm rãi đó lại có khả năng thay đổi bền vững tư duy, tình cảm của mỗi người. Vì thế, nếu thiếu cảnh giác, để những tác động tiêu cực của văn hóa ngoại lai du nhập, thẩm thấu sâu vào đời sống xã hội Việt Nam, chúng ta sẽ phải trả cái giá rất đắt. Thậm chí, có thể là cả việc lạc mất con đường tiến lên CNXH mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân đã lựa chọn...

1 nhận xét:

  1. Để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, với tinh thần quyết liệt, kịp thời, đem lại kết quả cụ thể.

    Trả lờiXóa