Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Lạt tẩy thông tin xuyên tạc công tác nhân sự của Đại hội Đảng lần thứ XIII



Thực tế dù công tác chuẩn bị tốt đến đâu, kết quả tích cực thế nào, dù quy trình công tác chuẩn bị nói chung và công tác nhân sự rà rất rõ ràng, từng bước bài bản, nhưng cứ trước mỗi kỳ đại hội Đảng, nhất là Đại hội toàn quốc thì số đối tượng xấu lại tập trung phát tán nhiều thông tin xuyên tạc các công việc chuẩn bị Đại hội, nhất là vấn đề nhân sự. Chúng phát tán trên mạng xã hội các phương án “tự sắp xếp” nhân sự cấp cao (cứ như được Đảng CSVN giao cho việc đó); cùng với việc nói xấu người này người kia nhất là người trong diện quy hoạch, ứng cử lãnh đạo cấp cao với các kiểu bịa đặt nào là “tranh giành quyền lực”, “phe nọ nhóm kia” để câu view, tung hỏa mù chống phá Đại hội Đảng.


Chúng ta không lạ gì việc một số kẻ thường xuyên lợi dụng công việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng để bịa đặt thông tin kiểu gán ghép, quy chụp thể hiện rõ dụng ý gây chia rẽ, biến chuyển quy kết từ kết quả tích cực của việc xử lý kỷ luật giữ nghiêm kỷ cương phép nước rất đáng ghi nhận thành “thanh trừng nội bộ” hay “đấu đá” v.v., từ đó gây nhiễu thông tin, gây hiểu nhầm và gây mất niềm tin của nhân dân về công tác nhân sự của Đại hội Đảng.


Thông tin về quá trình chuẩn bị Đại hội XIII rất đầy đủ, kịp thời


Trên báo chí, truyền thông hiện nay đã đưa nhiều thông tin chính thống về Đại hội XIII của Đảng, cả về góp ý văn kiện, các nội dung cốt lõi, các điểm mới và quá trình làm công tác nhân sự. Các cơ quan chức năng (Ban Tuyên giáo TW, Ban Tổ chức TW…) cũng tổ chức nhiều hoạt động, hội nghị để thông tin đầy đủ, kịp thời về quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp và việc chuẩn bị Đại hội Đảng XIII. VTV, VOV, các phương tiện, cơ quan truyền thông khác đều có các chương trình, chuyên mục đưa tin về Đại hội XIII, về trách nhiệm tham gia của mọi thành phần, mọi người.


Thực hiện Điều lệ Đảng và các quy định, cho thấy nhân sự được các tổ chức Đảng các cấp chuẩn bị khá cụ thể, chặt chẽ, từ việc phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ để tiến hành các bước giới thiệu, bỏ phiếu đưa vào quy hoạch các cấp và quy hoạch BCHTW khóa XIII. Còn nhớ đầu năm 2020 quãng tháng 4/2020, báo chí đã đưa tin Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập 4 nội dung công tác nhân sự, trong đó nhấn mạnh nêu cao vai trò của tổ chức Đảng. Trong từng khâu, từng công đoạn phải làm thật chắc chắn, khoa học, đồng bộ, làm đến đâu chắc chắn đến đó…


Điểm mới trong công tác nhân sự cấp ủy lần này là thực hiện theo quy trình 5 bước, trong đó chuẩn bị nhân sự tái cử trước, nhân sự tham gia lần đầu. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đã cụ thể hóa tiêu chuẩn cấp ủy viên theo phân cấp quản lý. Với quy trình nhiều bước này thì dù ai muốn can thiệp cũng không dễ. Như vậy, quá trình tiến hành công tác nhân sự đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch công bằng và nâng cao chất lượng.


Công tác nhân sự có quy trình nhiều bước, chặt chẽ, bài bản.


Một số người đưa ra những thông tin sai sự thật, thậm chí cố ý thêu dệt, tự suy diễn. Có người vì không hiểu về quy trình công tác nhân sự, nhưng có người biết cố tình không biết, cố tình hiểu sai, cố tình bẻ cong sự thật, đưa tin chống phá.


Đảng CSVN xác định công tác cán bộ là then chốt, là khâu quyết định thành công của công cuộc cách mạng và phát triển đất nước. Nên từ đầu nhiệm kỳ, công tác cán bộ được tiến hành chặt chẽ, bài bản, kỹ lưỡng, từ việc thể chế hóa văn bản về công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền, gắn với thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống chạy chức, chạy quyền.


Để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII, từ Hội nghị Trung ương 8 (tháng 10/2018) đã 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng đã được thành lập, trong đó có Tiểu ban Nhân sự. Văn bản quan trọng làm cơ sở cho việc chuẩn bị đại hội và nhân sự các cấp là Chỉ thị số 35 (ngày 30/5/2019) của Bộ Chính trị xác định rõ, việc chuẩn bị nhân sự đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của đại hội; bên cạnh, trước đó Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 6/11/2018 về xây dựng quy hoạch BCHTW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2021-2026 đưa ra một số nội dung đổi mới hết sức căn bản. Tiếp sau Quy định số 90-QĐ/TW là Quy định số 214-QĐ/TW (ngày 2/1/2020) về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ cấp BCHTW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.


Theo quan sát, tới Hội nghị Trung ương 12 (5/2020) quyết định phương hướng công tác nhân sự BCHTW khóa XIII, Hội nghị Trung ương 13 (10/2020) thảo luận, xem xét toàn diện về dự kiến danh sách nhân sự tái cử và nhân sự lần đầu được giới thiệu tham gia BCHTW và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII, việc đưa ra các phương án để cân nhắc lựa chọn; phân tích, đánh giá, góp các ý kiến bổ sung vào các báo cáo và phương án nhân sự. Theo lộ trình tới đây, nhân sự các chức danh lãnh đạo chủ chốt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư… sẽ tiếp tục được xem xét, thảo luận đề xuất tại Hội nghị Trung ương 14 và các phiên họp quan trọng được tổ chức theo quy định.


Nhiều đồng chí lão thành cách mạng, các trí thức, các cán bộ từng kinh qua công tác nhân sự qua các kỳ đại hội của Đảng đều có chung đánh giá: Công tác nhân sự lần này được thực hiện bài bản, kỹ lưỡng. Trong đó, những cán bộ được sắp xếp, quy hoạch đã được trải qua quy trình quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, kinh qua các vị trí quản lý và trải đều ở các độ tuổi. 


Như vậy, nếu quan sát đầy đủ có thể thấy Đảng CSVN đã tiến hành các bước theo một quy trình chặt chẽ, thận trọng, bài bản chứ không phải là “tranh giành”, không phải chuyện “ngẫu hứng” cần đâu làm đó, không phải “sự vụ”, càng không có chuyện “thanh trừng nội bộ” như một số kẻ “mượn gió bẻ măng” hay một số luận địa bịa đặt trân mạng xã hội.


Mỗi người cần có bộ lọc tiếp nhận thông tin


Thực tế xuất hiện những thông tin sai sự thật cho thấy cần có quy định trước hết là trách nhiệm cán bộ, đảng viên không được đưa thông tin lên mạng một cách tùy tiện, sai trái gây ảnh hưởng tiêu cực tới tổ chức khi mà tổ chức đã tiến hành công việc đó theo đúng quy định, quy trình chặt chẽ. Hành vi đưa thông tin hồ đồ của bất kỳ cá nhân nào có thể xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác cần được chấn chỉnh, xử lý.


Điều quan trọng là mỗi cư dân ở đâu môi trường nào cũng cần có kỹ năng lắng nghe, nhận biết tin sai sự thật, tránh những thông tin có “năng lượng âm”, tiếp thu thông tin một cách có chọn lọc, biết phân tích đúng sai, tránh a dua a tòng theo thông tin bịa đặt, câu view vô bổ. Đó là quyền lợi và nghĩa vụ bảo vệ chính chúng ta trong môi trường thông tin an toàn, lành mạnh…/.


Trần Công Nghệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét