1. Chỉ tiến hành chiến tranh khi kẻ thù buộc ta phải thực hiện
Trong lịch sử, các triều đại phong kiến Việt Nam đều có giải pháp ngoại giao khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt nhằm giữ hòa hiếu, tránh nạn binh đao, khói lửa; khi có nguy cơ chiến tranh, luôn tìm mọi cách hóa giải, ngăn chặn, đẩy lùi và chỉ tiến hành chiến tranh khi không còn lựa chọn nào khác.
Trong 30 năm chiến tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã có những quyết sách sắc sảo, đúng đắn, nhằm phân hóa kẻ thù, trì hoãn, hóa giải chiến tranh; đồng thời, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho đất nước sẵn sàng đối phó khi kẻ thù cố tình gây chiến. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, nước Việt Nam non trẻ đứng trước nguy cơ bị thực dân Pháp xâm lược, chúng ta đã ký Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp, đấu tranh tại Hội nghị Fontainebleau và sau là Tạm ước Việt - Pháp đều nhằm mục đích trì hoãn, hóa giải không để chiến tranh xảy ra, có điều kiện củng cố đất nước. Khi thiện chí đó không được đáp ứng, buộc chúng ta phải tiến hành chiến tranh. Điều đó được thể hiện rõ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hỡi đồng bào toàn quốc, chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”!
2. Thắng bằng phương pháp thay vì thắng bằng vũ khí, trang bị
Kiên trì và phát huy cao độ đường lối chiến tranh nhân dân. Tiến hành chiến tranh nhân dân đã trở thành truyền thống, nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam. Nhờ kiên trì đường lối chiến tranh nhân dân, lòng yêu nước cùng tinh thần cố kết cộng đồng dân tộc được phát huy cao độ; đồng thời, khẳng định rõ vai trò của nhân dân “toàn dân vi binh”, “chúng chí thành thành”, “cử quốc nghênh địch”; khơi dậy ý chí quật cường của dân tộc “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. “Trước hết hãy chém đầu thần, rồi sau hãy hàng”, “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Điều đó còn được thể hiện, đánh để giữ cội nguồn, bản sắc văn hóa Việt Nam: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Trong thời đại Hồ Chí Minh, “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân là quan điểm cơ bản của Đảng, là tư tưởng cốt lõi của chiến lược quốc phòng, quân sự thời kỳ mới và là sự phát huy cao độ văn hóa quân sự Việt Nam.
Đánh bằng mưu kế, thắng bằng thế thời: đánh giặc bằng nghệ thuật quân sự độc đáo là văn hóa quân sự và về một mặt nào đó cũng thể hiện tư tưởng khoan dung của văn hóa quân sự Việt Nam. Truyền thống đánh giặc bằng nghệ thuật quân sự độc đáo tập trung ở nghệ thuật “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, “thế trận xuất kỳ lấy yếu chống mạnh, dùng quân mai phục lấy ít địch nhiều”, “lấy đoản binh, chế trường trận”, lấy đoản chế trường là việc thường làm của binh pháp Việt Nam.
Luôn đề cao tính nhân văn trong các hoạt động quân sự: Quan điểm cơ bản của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh là tiết kiệm binh lực, hạn chế thương vong, đưa địch vào thế sa lầy, suy yếu và thất bại. Khi địch đã đầu hàng hoặc bị bắt, đều được đối xử khoan hồng, được bảo vệ an toàn về tính mạng, tôn trọng về nhân phẩm, kể cả tù binh, hàng binh là người nước ngoài. Thời Trần, Trần Nhật Duật còn tổ chức được đội quân người Tống trong quân ngũ của mình để chống xâm lược. Khi kẻ địch bị bao vây, có nguy cơ bị tiêu diệt, “thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh”, thậm chí còn cấp cho lương thảo, phương tiện để về nước, vậy nên mặc dù ra đến biển vẫn còn “hồn bay phách lạc”, về đến nước vẫn còn “tim đập, chân run”. Ngay cả với kẻ thù không đội trời chung, Hồ Chí Minh vẫn khẳng định: “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, “vừa đánh, vừa đàm”, tạo điều kiện cho đối phương kết thúc cuộc chiến trong danh dự. Đó là phương châm chỉ đạo chiến tranh, đồng thời thể hiện tư tưởng nhân văn sâu sắc, vượt lên trên giá trị văn hóa thông thường, đỉnh cao giá trị văn hóa quân sự của mọi thời đại.
Kết hợp tác chiến với các hình thức đấu tranh khác: dân tộc Việt Nam luôn lấy tư tưởng “không đánh mà thắng” làm thượng sách để giữ nước; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù làm phương châm chỉ đạo chiến tranh. Thời Lê, dân tộc ta hết sức coi trọng giảng hòa với giặc để chuẩn bị tác chiến, “bên ngoài giả thác hòa thân” để “bên trong lo rèn chiến cụ”, “quyên tiền, mộ lính, giết voi khao quân”; khi vây thành thì kiên quyết tiêu diệt quân viện, triệt đường lương thảo, thực hiện “Ngã mưu phạt nhi tâm công, bất chiến tự khuất”8 buộc quân địch phải đầu hàng và rút quân về nước. Trong chiến tranh giải phóng, ta đã hết sức coi trọng đấu tranh chính trị, tích cực tiến hành công tác binh vận, địch vận, đánh vào lòng người, lôi kéo những người lầm đường, lạc lối về với chính nghĩa, hạn chế đổ máu. Thực hiện nghệ thuật vừa đánh, vừa đàm, mà nổi bật là Hiệp định Genève (1954) và Hiệp định Paris (1973), đó chính là sự phát triển đỉnh cao nghệ thuật ngoại giao chiến tranh, hỗ trợ đắc lực cho tác chiến trên chiến trường. Trong chiến tranh, luôn phân biệt rõ kẻ địch với nhân dân nước đối phương, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phân hóa kẻ thù giành lợi thế kết thúc chiến tranh trong điều kiện có lợi nhất, hạn chế thương vong, tránh cho đất nước không bị tàn phá nặng nề.
3. Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai
Đây là nét đẹp, thể hiện rõ tính nhân văn, tư tưởng khoan dung trong văn hóa quân sự Việt Nam. Sau các cuộc chiến tranh, thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, Việt Nam luôn đối xử nhân đạo với những người lầm đường, lạc lối, nhân cách của họ được tôn trọng và tạo điều kiện để họ hòa nhập với cộng đồng, làm ăn sinh sống.
Tư tưởng khoan dung trong văn hóa quân sự là nét đặc sắc, truyền thống, nội dung hết sức quan trọng trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển tư tưởng này trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hải Đăng st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét