Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Tỉnh táo trước các video nội dung xấu, độc trên mạng xã hội

 Trước thực trạng các video có nội dung nhảm nhí, bạo lực, phản cảm... xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội với tốc độ lan truyền nhanh chóng đã tác động không nhỏ đến tâm lý, ý thức và đạo đức xã hội cần phải ngăn chặn, xử lý triệt để.

Tỉnh táo trước các video nội dung xấu, độc trên mạng xã hội
Sự phát triển nhanh chóng của video xấu, độc trên mạng xã hội
Những ngày qua, chúng ta không khó để nhận thấy vấn đề video có nội dung xấu độc, nhảm nhí, phản cảm, bạo lực được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng với những hậu quả khôn lường gây ra cho cộng đồng xã hội, nhất là giới trẻ. Các video này lan truyền nhanh chóng, phổ biển trên mạng xã hội với sự phát triển mạnh mẽ gắn liền với hàng loạt các “hiện tượng mạng” như Khá “Bảnh”, Huấn Hoa Hồng, Dũng Trọc, Vĩnh Vớ Vẩn, Long Du Bai, Hữu Bộ, Võ Ngọc Duy Troll, Tam Mao TV, Thanh Lương Vlog, Huỳnh Tấn Trường official, Prank HD, NTN Vlogs hay “đế chế vlog” của gia đình bà Tân (Bà Tân vlog, Hưng Vlog, Hậu Troll…). Các kênh do các cá nhân này tạo ra đều có lượng người theo dõi lớn, như Ngô Bá Khá-tức Khá “Bảnh”, có 4 kênh Youtube với hơn 2 triệu người theo dõi; Nguyễn Văn Hưng sở hữu 3 kênh YouTube Hưng Vlog, Hưng Gamer và Hưng Troll, trong đó, kênh Hưng Vlog hiện đang có 2,92 triệu lượt người theo dõi, 533 triệu lượt xem…
Bất chấp các chuẩn mực đạo đức, càng độc, càng lạ, càng “quái”, càng “ngược đời” thì càng đông người xem và theo dõi, ủng hộ, đó dường như đã trở thành tôn chỉ để sản xuất các video nói trên. Nhảm nhí, bạo lực, phản cảm, chính nội dung những video này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức văn hóa, thuần phong mỹ tục, nét đẹp truyền thống của xã hội Việt Nam. “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi...”, “Trộm gà nhà em hàng xóm, nướng siêu cay, mời em hàng xóm thưởng thức...”, “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết”, Công bố clip nóng với bạn gái, thử thách làm chó trong 24h, Các món ăn siêu to khổng lồ, Thử thách 24h sống trong căn nhà vỏ lon trên cao, Thử thách nhảy xuống hố cát sâu đến ngực rồi lấy chuối, tiền âm phủ, nén hương để “cúng vong cho 2 đứa em ngoan hiền lại”; Troll dùng nước ngọt nấu cơm cho cả nhà ăn, Thả 100 cái dao từ trên cao xuống, Đóng giả khủng bố IS để quăng bom…, những video này đã xuất hiện và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội với nội dụng nhảm nhí, không có thật, trái đạo đức, trái thuần phong mỹ tục, cổ súy bạo lực, thậm chí là vi phạm pháp luật và bị dư luận xã hội lên án gay gắt. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng từng có tiền án, tiền sự tạo lập các trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook, YouTube đăng tải hàng trăm hình ảnh, video về cuộc sống giang hồ, xã hội đen, đã trở thành hiện tượng được hàng triệu người dùng mạng theo dõi.
Nấu các món ăn mất vệ sinh, bày cách ăn trộm tiền, đưa ra các thử thách nguy hiểm, hướng dẫn hành vi bạo lực…, ảnh hưởng tới người xem. Vậy tại sao các video này vẫn phát triển mạnh mẽ, thu hút số lượng người theo dõi, người xem rất lớn và thu về lợi nhuận khổng lồ? Sở dĩ video nhảm nhí, xấu độc vẫn tồn tại và có xu hướng phát triển nhanh trên mạng xã hội bởi nội dung các video này đã đánh vào tâm lý tò mò của giới trẻ, từ đó, kích thích sự lan truyền nhanh chóng và tạo nên xu hướng đám đông như hiện nay. Càng nhiều bình chọn like, share hoặc theo dõi của người xem, các chủ tài khoản của các kênh Vlog này càng thu được số tiền lớn, thậm chí đây được xem là  “nghề hái ra tiền”, do đó, ngày càng đa dạng về nội dung, cách thức xây dựng các video để thu hút người xem. 
Hậu quả của video xấu, độc trên mạng xã hội.
Hậu quả các video xấu, độc gây ra là vô cùng to lớn. Đối với vấn đề đạo đức xã hội, những nội dung video nhảm nhí, vô bổ, phản cảm, bạo lực, phản giáo dục đã đi ngược lại truyền thống đạo đức của người Việt Nam, dần dần tác động tâm lý và định hướng ý thức người xem, từ đó, vô hình trung hình thành tư tưởng, nhân cách thích bạo lực, thích “quái gở”, thích hành vi lệch chuẩn và tư duy lệch lạc mà quên đi những giá trị đạo đức, văn hóa xã hội truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nguy hiểm hơn, chỉ vì những video này, đã gây “nghiện” trong một bộ phận giới trẻ, thậm chí có người bắt chước làm theo và hậu quả gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tâm lý, tinh thần. Điển hình, vào trung tuần tháng 10/2020, một bé gái 5 tuổi tại TP.Hồ Chí Minh đã tử vong khi bắt chước trò chơi treo cổ trên Youtube. “Nghiện” video xấu độc cũng khiến tâm lý người trẻ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, từ đó không tập trung học tập, kết quả giảm sút… Tất cả những điều này gây bức xúc, phẫn nộ lớn trong dư luận xã hội, nhất là các bậc phụ huynh. Không những vậy, đầu năm nay, Ủy ban Dân tộc cũng đã gửi công văn tới Bộ Thông tin và Truyền thông phản ánh tình trạng có nhiều cá nhân, tổ chức sản xuất và đăng tải các tiểu phẩm trên mạng xã hội với nội dung và hình ảnh bôi nhọ đồng bào dân tộc thiểu số, gây bức xúc trong cộng đồng. Điển hình Ủy ban Dân tộc nhắc tới là kênh YouTube A Hy TV; ngay sau đó, chủ kênh này đã lập tức gỡ toàn bộ các clip trên…
Tự phòng ngừa và xử lý nghiêm minh video nội dung xấu, độc.
Có thể thấy, đối tượng bị tác động, ảnh hưởng nhiều nhất bởi các video nội dung xấu, độc là giới trẻ với những hậu quả hết sức nặng nề như đã nói ở trên. Người trẻ, nhất là tuổi vị thành niên, các em đang trong giai đoạn phát triển, hoàn thiện nhận thức và nhân cách. Sự giật gân của những video này đã đánh vào tâm lý tò mò để các em luôn bị cuốn theo một cách chăm chú, thậm chí “nghiện”. Các em chưa đủ tỉnh táo, chưa đủ nhận thức để phân biệt đâu là thông tin xấu độc, nhảm nhí, đâu là thông tin bổ ích để tiếp cận, chỉ cần thấy lạ, thấy hay, đáp ứng nhu cầu giải trí thì xem. Do đó, vai trò của các bậc phụ huynh, gia đình, nhà trường là rất quan trọng trong bảo vệ con em mình trước tác động tiêu cực của các video nội dung xấu, độc. Trong đó, quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng Internet, mạng xã hội và các thiết bị điện tử thông minh như điện thoại di động, laptop, máy tính bảng, ipad… của con em với quỹ thời gian hợp lý là cần thiết. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của con trẻ tự phòng ngừa, tự bảo vệ mình trước những video có nội dung xấu, độc.
Siết chặt công tác quản lý nhà nước với hoạt động của mạng xã hội tại Việt Nam và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải video, thông tin nội dung xấu độc, phản cảm, vi phạm pháp luật. Vừa qua, Nguyễn Văn Hưng (hay còn gọi là Hưng Vlog) bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt lần hai (10 triệu đồng) vì hành vi cung cấp và chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục với nội dung dạy cách đập heo đất để ăn trộm tiền. Trước đó, vào ngày 10/9, Hưng Vlog đã bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng sau khi đăng tải video với tiêu đề “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết”. Cùng sự chỉ trích gây gắt của dư luận đối với trường hợp Hưng Vlog, hiện tại, một số kênh thường đăng tải video nhảm nhí, bạo lực cũng đã tự gỡ bỏ video của mình. Ngày 06/10, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp  các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, xử lý các video có nội dung nhảm nhí, giật gân xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Như vậy, sự nghiêm minh của pháp luật, hành động quyết liệt, mạnh mẽ của các cơ quan chức năng kết hợp thái độ lên án của cộng đồng xã hội sẽ là phương pháp hữu hiệu để loại trừ video xấu độc ra khỏi môi trường mạng.
Thời đại công nghệ thông tin phát triển bùng nổ, bên cạnh tiện ích mang lại thì những tác động mặt trái kèm theo là không thể tránh khỏi. Mỗi cá nhân khi sử dụng Internet cần tỉnh táo, sáng suốt, phát huy ưu thế của Internet phục vụ công việc, đời sống, giải trí…, tránh để trở thành “nạn nhân” của những tác động tiêu cực do Internet gây ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét