Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2023

Những dấu hiệu cơ bản nhận biết thông tin xấu độc trên mạng xã hội

 


Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hóa, trước sự bùng nổ của hệ thống mạng xã hội, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể dễ dàng tham gia sử dụng mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau. Ngày 15/7/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, trong đó tại Điều 5, khoản 1 quy định các hành vi đưa thông tin lên mạng bị cấm, Điều 10 quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng internet. Sử dụng mạng xã hội giống như một con dao hai lưỡi ẩn chứa nhiều vấn đề bất cập và hiểm họa khôn lường. Do đó ngoài những lợi ích mà mạng xã hội mang lại, mỗi cá nhân chúng ta khi tham gia cần phải trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức nhằm nhận diện đúng những thông tin xấu độc để tránh xảy ra những hệ lụy không đáng có.

Theo thống kê đến giữa quý II/2023 ở Việt Nam có hơn 66,2 triệu người dùng mạng Facebook, có hơn 50,6 triệu người dùng TikTok, hơn 63 triệu người dùng YouTube và còn rất nhiều ứng dụng, diễn đàn khác với hàng trăm nghìn người tham gia. Trước hết chúng ta cần nắm rõ bản chất những thông tin xấu độc phát tán trên mạng xã hội: “Là những thông tin phân tích, định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch, lẫn lộn đúng sai, thật giả chưa được kiểm chứng hoặc trên nền tảng thông tin sự thật đưa thêm nội dung với ý đồ xấu; những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề; những thông tin có nội dung, ngôn từ thô tục, phản cảm, soi mói, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức; ngoài ra từ các nguồn tin đăng tải có thể kèm theo các loại Virut, đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân người sử dụng …”. Mạng xã hội thường thu thập, liên kết dữ liệu nhằm gợi ý theo hướng tìm hiểu tin từ người dùng, chính vì vậy khi tiếp xúc với một thông tin xấu độc, người dùng rất dễ lôi kéo vào nhiều thông tin xấu độc khác. Vậy để nhận biết các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội chúng ta có thể căn cứ vào dấu hiệu cơ bản sau đây:

1.  Xét đối tượng phát tán nguồn tin: Tránh tiếp nhận các thông tin từ các đối tượng chưa biết (Tra cứu thông tin đối tượng để nắm rõ hơn về các thông tin cá nhân cũng như các hoạt động trên nền tảng mạng xã hội), các nội dung tin đăng tải từ các đối tượng đã được thông báo chống đối Nhà nước.

2.  Tiêu đề tin: Để gây chú ý đánh vào tính hiếu kỳ người đọc, các tiêu đề thường có tính hấp dẫn, gây giật title, câu like.

3.  Đường dẫn liên kết của tin: Đối với nguồn tin xấu độc thường có đường dẫn liên kết đến website giả mạo hoặc dẫn đến trang website gần giống với tên trang website chính thống để đánh lừa người đọc.

4.  Xem xét nguồn thông tin: Khi tiếp nhận thông tin cần xem xết nó đến từ nguồn nào, cần cảnh giác với các tên miền nước ngoài như: .org, .com, .asia…, các thông tin tìm kiếm cần lấy trên các trang tin chính thống của Nhà nước nhằm đảm bảo độ tin cậy cao.

5.  Xem xét, đánh giá về nội dung tin: Những thông tin xấu độc thường có bố cục không rõ ràng, hay bị các lỗi về chính tả, lộn xộn về ý diễn đạt, các dẫn chứng phiến diện, mang ý chí cá nhân trong giải quyết vẫn đề.

6.  Đánh giá hình ảnh hoặc số liệu để kiểm chứng: Các hình ảnh, video, số liệu đưa vào tin thường bị chỉnh sửa, trích dẫn không rõ ràng. Chúng ta có thể tìm kiếm thông tin tương tự như hình ảnh, video, số liệu đưa ra từ nhiều nguồn để xem xét đánh giá về mức độ tin cậy của các thông tin.

              Trên đây là những dẫu hiệu cơ bản về thông tin xấu độc trên mạng xã hội để mỗi chúng ta khi tham gia có thể có phân biệt được các thông tin độc hại do các thế lực phản động, chống đối, cơ hội chính trị và những cá nhân thiếu hiểu biết tung tin tác động đến. Tuy nhiên cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, các thông tin xấu độc, giả mạo ngày càng đa dạng, khó nhận biết, do đó ngoài những kỹ năng trên mỗi bản thân chúng ta cần tự học tập tìm tòi, trang bị thêm cho mình thêm những kỹ năng mới để bảo vệ chính mình và góp phần bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét