Nhận thức đúng đắn về nội dung, thủ đoạn thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với nước ta hiện nay và tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của chúng là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của các cơ quan trong hệ thống chính trị hiện nay. Để làm tốt nhiệm vụ này; đẩy lùi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức cần có giải pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó đào tạo, bồi dưỡng là một giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, không chỉ cần bồi dưỡng về năng lực mà còn cần nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ. Điều này đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải thực sự là những người có bản lĩnh, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Nhận diện âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch
Chiến lược diễn biến hoà bình (DBHB) của các thế lực thù địch thực hiện ở nước ta có nhiều nội dung, bằng nhiều thủ đoạn thâm độc. Chúng đã xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền hệ tư tưởng tư sản, tư tưởng xã hội – dân chủ, truyền bá chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa thực dụng; xuyên tạc, phủ nhận Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng; lôi kéo “những người bất đồng chính kiến” hòng tạo dựng “ngọn cờ đối lập”… Chúng tìm cách tác động vào công tác tổ chức cán bộ để phân hóa, chia rẽ nội bộ ta. Phủ nhận và loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Xuyên tạc, phê phán nguyên tắc tổ chức và hoạt động, mối quan hệ giữa các thiết chế quyền lực của Nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN); thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về lập pháp, hành pháp và tư pháp theo cơ chế tam quyền phân lập, hình thành chế độ đa đảng đối lập. Chuẩn bị các yếu tố, điều kiện để khởi phát “cách mạng màu”, gây rối loạn chính trị trong nước, tạo cớ can thiệp từ bên ngoài.
Cùng với chống phá về chính trị, các thế lực thù địch tập trung phá hoại trên lĩnh vực kinh tế. Xuyên tạc những quan điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, tuyên truyền cho tính ưu việt của kinh tế thị trường TBCN. Tìm mọi cách tác động nhằm chuyển hóa hệ thống pháp luật kinh tế, đẩy nhanh quá trình tư nhân hoá nền kinh tế để gây sức ép nhằm chuyển hóa nền kinh tế Việt Nam theo còn đường tư bản chủ nghĩa (TBCN). Dùng tiền bạc, thông qua các chương trình đào tạo, huấn luyện để mua chuộc, lôi kéo, làm tha hoá đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế trong bộ máy nhà nước.
Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội chúng xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách xây dựng và phát triển văn hóa – xã hội của Đảng và Nhà nước. Tích cực sử dụng các phương tiện truyền thông để truyền bá những quan điểm sai trái, thù địch; thúc đẩy “tự chuyển hoá” trong đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phóng viên… Chúng lợi dụng quá trình đổi mới về kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam để tác động hòng thúc đẩy biến đổi cơ cấu xã hội – giai cấp, phân tầng và phân hóa xã hội theo mô hình TBCN nhằm xây dựng cơ sở xã hội của CNTB ở Việt Nam. Xuyên tạc, phủ nhận đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương và thành tựu giáo dục – đào tạo của Nhà nước ta, tuyên truyền cho tính ưu việt của hệ thống giáo dục – đào tạo TBCN.
Lợi dụng giao lưu về giáo dục – đào tạo, mưu toan chuyển hóa tư tưởng của giới trí thức, sinh viên, học sinh… Lợi dụng những hạn chế, yếu kém, sai lầm của chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo để kích động quần chúng biểu tình, gây mất trật tự, an toàn xã hội ở các địa bàn chiến lược.
Thực hiện DBHB trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh (QPAN) được các thế lực thù địch coi là khâu then chốt, lĩnh vực đối ngoại là khâu hỗ trợ quan trọng. Chúng tập trung xuyên tạc, phủ nhận đường lối, quan điểm QPAN của Đảng, chủ trương, chính sách QPAN của Nhà nước ta. Tìm mọi cách “phi chính trị hóa” quân đội và công an; tuyên truyền, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với quân đội và công an; gây mâu thuẫn trong nội bộ lực lượng vũ trang (LLVT). Lợi dụng các mối quan hệ, tiếp xúc về QPAN, chúng mua chuộc cán bộ, chiến sĩ LLVT, làm chuyển hóa nội bộ về nhân sự, tổ chức. Tổ chức các hoạt động tình báo, gián điệp, gây dựng cơ sở và phá hoại từ bên trong; kích động bạo loạn lật đổ, ly khai. Xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách đổi ngoại của Đảng và Nhà nước. Chia rẽ, gây mẫu thuẫn giữa Việt Nam với các nước láng giềng, khu vực và cộng đồng quốc tế. Chúng sử dụng các tổ chức ngoại giao của Chính phủ, tổ chức ngoại giao nhân dân, các tổ chức phi chính phủ (NGO) để đòi Việt Nam thực hiện các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền theo kiểu phương Tây.
Vai trò của giảng viên bồi dưỡng cán bộ, công chức trong phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”
Giảng viên là chủ thể tham gia vào quá trình biên soạn chương trình, tài liệu, thực hiện nhiệm vụ giảng dạy cho các khóa, lớp bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Thông qua bài giảng, giảng viên có thể bổ sung, cập nhật, khắc phục sự lạc hậu của các nội dung trong chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tạo nên sự sinh động trong các nội dung đào tạo, bồi dưỡng. Trong quá trình biên soạn và thực hiện giảng dạy, giảng viên cần tập trung làm rõ âm mưu DBHB, tuyệt đối tránh mắc sai lầm và “sa bẫy” DBHB của các thế lực thù địch. Một mặt, để phòng, chống nguy cơ DBHB, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong chính bản thân đội ngũ giảng viên, mặt khác là trong đội ngũ học viên.
Chất lượng và hiệu quả bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được tạo nên từ nhiều thành tố, trong đó đội ngũ giảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Giảng viên luôn là động lực, vị trí trung tâm tạo nên chất lượng và hiệu quả bồi dưỡng. Giảng viên có năng lực, có đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp có thể khắc phục những hạn chế về nội dung chương trình, tài liệu, những khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy để kết quả bồi dưỡng cán bộ, công chức có chất lượng. Tuy nhiên, cán bộ, công chức, viên chức là những người có kiến thức, có kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng học hỏi, tìm kiếm thông tin. Vì vậy, giảng viên không chỉ là chủ thể truyền giảng kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp mà còn là chủ thể định hướng về nhận thức, giúp học viên đánh giá đúng, nhận thức đúng về một sự kiện, một sự việc trong thực tiễn của đất nước, của khu vực và thế giới. Vì vậy, vai trò giảng viên được thể hiện trên các phương diện về vai trò của người thầy, người tư vấn, người định hướng.
Trong thời đại ngày nay, thông tin ngày càng lớn, càng đa dạng, đa chiều, đa diện, thông tin chính thống, không chính thống, đúng, sai, mà sự đúng, sai nhiều khi rất mong manh, khó phân định. Vì vậy, việc tìm ra chân lý trong ma trận thông tin, tìm ra thông tin chân thực trong dòng chảy thông tin đòi hỏi, giảng viên phải có trí tuệ, bản lĩnh, nhận thức, kiến thức, sự nhạy cảm trong nhận diện vấn đề, đưa ra những đánh giá chính xác, đầy đủ về các sự việc, định hướng thông tin, giải đáp những thắc mắc của học viên về các vấn đề liên quan.
Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, những tiêu cực trong đời sống kinh tế, xã hội, trong khu vực công dù Đảng và Nhà nước ta nỗ lực, quyết liệt phòng, chống nhưng không thể giải quyết một sớm, một chiều. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, có thể có những cán bộ, công chức chỉ nhìn thấy mặt hạn chế mà chưa nhìn thấy mặt tích cực, nhìn thấy việc xấu, người xấu mà không thấy được người tốt, việc tốt là phần lớn. Sự phát triển toàn diện của đất nước, niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước là minh chứng cụ thể nhất, chân thực nhất, đáng tin cậy nhất. Vì vậy, giảng viên chính là chủ thể giúp cho cán bộ, công chức, viên chức nhận thức được vấn đề, nhận diện được những kết quả tích cực mà đất nước, nhân dân ta đã đạt được.
Tư tưởng, niềm tin luôn là những vùng trũng mà dòng chảy tư tưởng, niềm tin khác nhau tìm đến. Nhưng thiếu sự định hướng, thiếu sự hướng dẫn thì những quan niệm, tư tưởng xa lạ có thể len lỏi vào bất cứ cá nhân nào dẫn đến những lầm lạc. Vì vậy, giảng viên cũng là người gieo và củng cố niềm tin của cán bộ, công chức, viên chức vào sự phát triển của đất nước, sự bền vững của chế độ, kỳ vọng của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Giảng viên cũng chính là người định hướng cho cán bộ, công chức, viên chức biết thực sự tự giác, trung thực, thành khẩn và cầu thị, nghiêm túc nhìn nhận, soi xét lại chính bản thân để tiếp tục phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục hạn chế, khuyết điểm và sự suy thoái (nếu có). Việc tự giác, trung thực, thành khẩn, cầu thị và dũng cảm nhận khuyết điểm để sửa chữa của cán bộ, đảng viên là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định kết quả của tự phê bình và phê bình, bởi vì không ai hiểu mình bằng chính mình; không ai có thể biết được tư tưởng, suy nghĩ, hành động của mình ngoài bản thân. Vì vậy, nếu đảng viên thật sự tự giác thì việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình sẽ đạt kết quả tốt, nếu không thì kết quả sẽ bằng không, thậm chí càng làm cho Đảng mất uy tín. Tuy nhiên, việc tự giác nhìn nhận những khuyết điểm của chính bản thân là một cuộc đấu tranh cam go, gian khổ diễn ra trong mỗi người. Vì vậy, bên cạnh việc đòi hỏi tự giác của mỗi người, sự động viên, khích lệ, sự định hướng, nêu gương cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, thanh tra của cơ quan Nhà nước và phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, của báo chí và công luận mới đem lại kết quả.
Giải pháp phòng, chống “diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ giảng viên.
Không ít trường hợp giảng viên mới chỉ chú trọng đến khía cạnh bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mà chưa chú ý đến khía cạnh bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho học viên.
Bản thân giảng viên đôi khi cũng chưa thực sự hiểu đúng, đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đôi khi chỉ nhìn thấy mặt trái mà không thấy được mặt tích cực của đất nước. Vì vậy, trong bài giảng họ vô tình chỉ đề cập đến những tiêu cực, những hạn chế, những khó khăn, thách thức của đất nước, của nền công vụ mà chưa nhìn thấy những khía cạnh tích cực khác. Chính vì vậy, để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thì bản thân giảng viên không được phép “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Điều này đòi hỏi cần có các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn giảng viên, bảo đảm giảng viên không chỉ là người có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, mà còn cần là người có đạo đức, trách nhiệm, niềm tự hào về nghề nghiệp, ý thức được vai trò của mình trong công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của giảng viên nói đúng, nói trúng, nói đủ và chịu trách nhiệm trực tiếp về quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy. Cần có những quy định về trách nhiệm, chế tài đối với những giảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong quá trình bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Thứ hai, cần phải có cơ chế giám sát trong hoạt động bồi dưỡng của giảng viên thông qua các kênh phản hồi từ phía học viên, từ cơ quan sử dụng cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo, bồi dưỡng.
Quá trình bồi dưỡng không chỉ góp phần nâng cao năng lực làm việc mà còn phải góp phần nâng cao đạo đức, trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức để họ có năng lực, trách nhiệm, niềm tin cao hơn và làm việc ngày càng tốt hơn.
Thứ ba, tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra giảng viên của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, vừa để phát hiện, tôn vinh những điển hình giảng viên, vừa là cơ chế để nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chính đội ngũ giảng viên.
Thứ tư, mỗi cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cần quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giảng viên để họ vừa hồng vừa chuyên. Hoạt động bồi dưỡng, nâng cao nhận thức có thể thực hiện bằng nhiều hình thức sinh động khác nhau: nâng cao hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôn vinh những điển hình tiên tiến của giảng viên. Cần phải bồi dưỡng cho giảng viên có năng lực, bản lĩnh, giữ vững niềm tin vào sự phát triển của đất nước, những điều tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang nỗ lực phấn đấu. Giảng viên phải là hiện thân cho trí tuệ, đạo đức của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Điều này đòi hỏi cần phát huy vai trò của người đứng đầu cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong nêu gương, trong thực hành trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.
Thứ năm, mỗi giảng viên không ngừng tự giác học tập, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, phải xác định được vai trò của mình trong quá trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Một lời nói, một bài giảng không chỉ đơn giản là lời nói, bài giảng mà chính là tiếng nói về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, bài giảng phải là sự chắt lọc của thực tiễn, nói những điều thực tiễn đã kiểm nghiệm, nói những điều đã được sàng lọc, không mơ hồ, không ước đoán, suy đoán với những thông tin không chính thống, những thông tin chưa được kiểm chứng. Nhận thức là một hành trình không đơn giản, cần có bản lĩnh, trí tuệ, biết lựa chọn giữa đúng, gần đúng và sai, biết tìm ra những điều phi lý trong lớp vỏ tưởng chừng hợp lý.
Thứ sáu, cần đổi mới chế độ, chính sách với giảng viên, tạo điều kiện cho họ yên tâm với nghề, có thời gian học tập, nâng cao năng lực, trình độ, tiếp cận với các nguồn thông tin chính thống để mỗi bài giảng luôn sinh động, mang màu sắc thực tiễn, chính xác về thông tin, hấp dẫn về phương pháp và hiệu quả trong thực hiện mục tiêu bồi dưỡng.
Để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát, dư luận, ý thức tự giác của mỗi cán bộ, công chức, thì vấn đề đào tạo, bồi dưỡng ngăn ngừa, đấu tranh, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần được đặt ra trong công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Với trách nhiệm của mình, đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và giảng viên phải thực sự là người chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, giữ nhân cách, đạo đức trong sáng, nêu gương, thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ của trí thức trong thời đại Hồ Chí Minh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét