Thứ Hai, 9 tháng 10, 2023

Quan điểm của Đảng ta về đối tác, đối tượng trong tình hình mới

 Quan điểm trên của Trung ương Đảng vẫn thể hiện được tính mềm dẻo, biện chứng toàn diện trong cách nhìn nhận về đối tượng và đối tác. So với nội hàm quan điểm cùng về vấn đề này trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, thì quan điểm lần này vừa có tính kế thừa, nhưng vừa có sự bổ sung những nội dung phù hợp, đòi hỏi cần phải được nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc. Cụ thể:

Thứ nhất, quan điểm về đối tượng đấu tranh

Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định: “... bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”. Đây là một sự khẳng định khôn khéo, mềm dẻo của chúng ta trong quyết tâm bảo vệ các lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam và mục tiêu, con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Chúng ta không vạch tên, chỉ mặt đối tượng nào, không tạo ấn tượng hiềm khích với ai, nhưng sự khẳng định trên cũng đủ để vừa quy tụ ý chí, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, vừa đề cao được lợi ích tối thượng của quốc gia, dân tộc.

Bởi vì, “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”(6), cho nên tiếp tục đề cao mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc là hoàn toàn hợp lý, dễ hiểu. Hơn nữa, điều này cũng phù hợp với phương hướng xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà Đại hội VII (năm 1991) đã đề ra đó là “Thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc”(7). Thực tế chỉ ra rằng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam chính là nền tảng vững chắc nhất để xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta - đó cũng chính là lợi ích quốc gia, dân tộc ta đang hướng tới.

Do đó, bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng chính là các thế lực có âm mưu, hành động chống lại nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; chống lại các lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam; chống lại sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng, nhân dân ta đã lựa chọn và tất cả những thế lực đó đều là đối tượng đấu tranh của chúng ta.

Thứ hai, quan điểm về đối tác

Trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc năm 2003, xác định “Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta”. Tuy nhiên, hiện nay Nghị quyết số 28-NQ/TW “về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, ngày 25-10-2013 đã cắt bỏ đi hai từ “chủ trương” của quan điểm trước đây và khẳng định: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác”.

Điều này vừa bảo đảm sự phù hợp với các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế. Đồng thời, nó cũng phù hợp với đường lối đối ngoại nhất quán của nước ta đã được Đảng ta xác định trong Đại hội XI: “là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(8); “Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”(9).

Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, uy tín, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam cũng ngày càng lớn và được các đối tác tin cậy. Do đó, việc cắt bỏ đi hai từ “chủ trương” trong quan điểm cũ là một bước khẳng định rõ ràng rằng chúng ta sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy với những đối tác nào tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với chúng ta; chứ không phải chỉ dừng lại ở mức độ “chủ trương”. Mặc dù vậy, để bảo đảm tính khách quan, toàn diện thì khi nhận thức về vấn đề đối tác cần phải đặt nó trong mối quan hệ với vấn đề đối tượng ngày nay.

Thứ ba, về tính biện chứng giữa đối tượng - đối tác

Trước đây, Trung ương Đảng chỉ nêu “... trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta”. Nhưng hiện nay, Trung ương Đảng đã khẳng định: “... trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”.

Có thể thấy, Trung ương Đảng đã quan niệm một cách khái quát, khách quan, toàn diện và đầy đủ hơn về tính biện chứng trong mỗi đối tác, chứ không chỉ dừng lại ở một số đối tác như trước đây. Thực tế đã khẳng định về tính đúng đắn của quan điểm này, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và tính cạnh tranh song hành cùng tính lệ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia đang ngày càng gia tăng.

Như vậy, đối tượng và đối tác luôn tồn tại trong một thể thống nhất. Do đó, sẽ có những đối tác rất đáng tin cậy, rất khó có khả năng chuyển hóa thành đối tượng, nhưng cũng có những đối tác có thể bị chuyển hóa thành đối tượng trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định, đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn cảnh giác. Thậm chí có đối tác bản thân đã, đang là đối tượng, buộc chúng ta phải vừa hợp tác, vừa phải đấu tranh. Bên cạnh đó, trong các loại đối tượng sẽ có những đối tượng mâu thuẫn, khác biệt ở mức độ nhất định, trong khoảng thời gian nhất định với chúng ta về ý thức hệ, hoặc về lợi ích chủ quyền, lãnh thổ hoặc về lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội,... Tuy nhiên, xét trong tổng thể thì vẫn còn có mặt có thể hợp tác được, mà không phải là đối tượng hoàn toàn hay đối tượng vĩnh viễn.

Thứ tư, chủ trương ứng xử đối với những mặt mâu thuẫn, khác biệt về lợi ích ở đối tác với chúng ta

Quan điểm về vấn đề đối tượng, đối tác mà Trung ương Đảng đề ra trong Nghị quyết 28-NQ/TW còn thể hiện tính cách mạng sâu sắc, rằng với những điểm mâu thuẫn, khác biệt về lợi ích giữa ta với mỗi đối tác đó, chúng ta không phải vì vậy mà chấp nhận nó, mà “cần phải đấu tranh”. Bằng sự mưu trí, sáng tạo để “đấu tranh” nhằm tăng cường sự hiểu biết, lòng tin, tăng cường tính đồng thuận, mở ra các thời cơ thuận lợi, tranh thủ tận dụng được những ưu điểm của mỗi đối tác để giúp chúng ta phát triển nhanh. Mặt khác, hạn chế tiến tới triệt tiêu các mâu thuẫn, lực cản phát sinh ở mỗi đối tác, mà không phải là nhằm mục tiêu triệt tiêu đối tác.

Tóm lại, trong nhận thức về vấn đề đối tượng, đối tác cần phải có cách nhìn khách quan, toàn diện, khoa học. Phải thấy được trong mỗi đối tượng, đối tác đâu là điểm có thể hợp tác được, đâu là điểm cần đấu tranh. Không nên cực đoan, máy móc hoặc rơi vào mơ hồ, ngộ nhận, thiếu cảnh giác rằng đối tác chỉ là hợp tác, còn đối tượng nhất định phải đấu tranh. Đồng thời, phải hết sức mềm dẻo trong hoạch định chủ trương, sách lược, chiến thuật đấu tranh với từng loại đối tượng, ở từng mặt, từng vấn đề vào từng thời điểm cụ thể, trên tinh thần hòa bình, hợp tác và phát triển; tránh xung đột, đối đầu, nhất là với các nước lớn; tránh bị cô lập, lệ thuộc.

Bên cạnh đó, để góp phần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về vấn đề đối tượng, đối tác, đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành chức năng cần phải nghiên cứu, xây dựng nội dung phù hợp, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho từng đối tượng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đối với các cán bộ chủ chốt và các lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thì cần phải mở chuyên đề riêng, có sự phân tích sâu sắc, toàn diện hơn để giúp cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, hiểu rõ, nâng cao sức cảnh giác, đề phòng, nhận diện được đối tượng, đối tác của ta, tạo nên sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Mỗi cơ quan, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp,... cần phải xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Trung ương Đảng thành các chương trình hành động, kiểm tra, giám sát phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình, để đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc./.

LHQ- ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét