Thứ Hai, 9 tháng 10, 2023

Vấn đề đối tác, đối tượng trong chiến lược bảo vệ tổ quốc

 Sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, đất nước ta vẫn phải đối diện với rất nhiều nguy cơ, thách thức trên mọi lĩnh vực; đồng thời, phải đứng trước sự lựa chọn, phân định bạn - thù, đối tác - đối tượng, để định hình chiến lược, sách lược; đề ra và triển khai có hiệu quả đường lối đối nội, đối ngoại; bảo vệ lợi ích của dân tộc và vai trò lãnh đạo của Đảng, sự vững mạnh của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (từ ngày 02-7 đến ngày 12-7-2003), trên cơ sở phân tích tình hình chính trị thế giới, khu vực và trong nước; đồng thời căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra và âm mưu, khả năng hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đối với nước ta, Đảng ta đã đề ra “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong hình hình mới” (gọi tắt là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc năm 2003). Trong đó, Đảng ta đã đưa ra một số phương châm chỉ đạo trong việc xác định đối tác - đối tượng, cụ thể là: Phải trên tinh thần thêm bạn, bớt thù, phân hóa, cô lập các thế lực thù địch chống đối ta, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là vĩnh viễn. Không nên xác định cả một quốc gia là đối tượng đấu tranh mà chỉ nên nói các thế lực thù địch, hoặc một số người trong giới cầm quyền ở một số nước nào đó có hành động cực đoan, hiếu chiến, chống đối ta, các cơ quan tình báo nước ngoài có hoạt động phương hại đến an ninh quốc gia của ta. Không có đối tác vĩnh viễn, song phải xác định được những đối tác chiến lược, lâu dài, nhất quán trên cơ sở chủ trương thêm bạn, bớt thù, khai thác triệt để mặt đối tác nhằm bảo đảm lợi ích lâu dài và chắc chắn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những phương châm chỉ đạo trên đã cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ, khách quan, toàn diện trong tư duy của Đảng ta về vấn đề đối tác - đối tượng: từ chỗ chỉ dựa trên ý thức hệ để xác định bạn - thù, sau đó mới tới lợi ích của quốc gia, dân tộc, đã chuyển sang quan niệm mềm dẻo, biện chứng hơn khi nhìn nhận đúng đắn về sự đan cài lợi ích trong quan hệ với các quốc gia. Đồng thời, cũng trên cơ sở phương châm chỉ đạo trên, Trung ương Đảng ta đã đề ra nguyên tắc trong việc xác định đối tác, đối tượng phù hợp với bối cảnh của đất nước, đó là: “Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh. Mặt khác, trong tình hình diễn biến mau lẹ và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn nhận biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta. Trên cơ sở đó, cần khắc phục cả hai khuynh hướng mơ hồ, mất cảnh giác hoặc cứng nhắc trong nhận thức, chủ trương và trong xử lý các tình huống cụ thể”(1).

Sau hơn 10 năm quán triệt thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc năm 2003 nói chung và các phương châm, nguyên tắc trong xác định đối tượng, đối tác, chúng ta đã thu được rất nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt chúng ta đã: “...bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc,... Tiềm lực kinh tế, uy tín, vị thế quốc tế của đất nước được nâng cao. Nền quốc phòng toàn dân, an ninh được tăng cường; sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc được nâng lên một bước”(2). Nước ta đã hội nhập ngày càng sâu với quốc tế, thiết lập quan hệ bình thường với hầu hết các quốc gia; tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao vào các tổ chức ở cấp khu vực và thế giới. Đặc biệt, nước ta đã tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với các đối tác láng giềng; tạo quan hệ ổn định, lâu dài và không ngừng đưa các mối quan hệ với các nước lớn đi vào chiều sâu (3); tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, tri thức, công nghệ mới và các nguồn lực quan trọng khác của quốc tế vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động can thiệp, lật đổ, chống phá mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các thế lực thù địch.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận đúng về những hạn chế, thiếu sót. Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 25-10-2013, nêu rõ: “... một số yếu tố quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc chậm được củng cố, tăng cường, có mặt còn giảm sút và phát sinh những vấn đề phức tạp mới. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc chưa đầy đủ, sâu sắc; chủ quan, mất cảnh giác; quan liêu, không gắn bó với nhân dân, không nắm chắc tình hình, có nhiều sơ hở... Các nguy cơ mà các Đại hội Đảng đã chỉ ra, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI tiếp tục cảnh báo chưa được khắc phục, có mặt còn nghiêm trọng hơn”(4).

Trên thực tế, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn mơ hồ, mất cảnh giác, nhìn nhận phiến diện về vấn đề đối tượng, đối tác; chưa có quan điểm khách quan, toàn diện trong đánh giá các nguy cơ, thách thức và cơ hội của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Từ đó, chưa nhận thức đầy đủ về các lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời, chưa gắn kết chặt chẽ giữa yêu cầu hội nhập quốc tế với yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm sự độc lập, tự chủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam. Cho nên, trong một số trường hợp chúng ta vẫn còn rơi vào thế bị động, bất ngờ.

Chính từ việc nhận thức đúng về mối nguy hiểm, đe doạ từ những hạn chế nói trên có thể tác động làm giảm sút sức mạnh tổng hợp của đất nước, cũng như khả năng bảo vệ Tổ quốc trước các khó khăn, thách thức đặt ra trong thời gian tới, ngày 25-10-2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã tổ chức Hội nghị lần thứ tám và nhất trí thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Với hệ thống 7 quan điểm đề ra trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Nghị quyết lần này tiếp tục nhấn mạnh và làm rõ hơn quan điểm về vấn đề đối tượng - đối tác.

Việc xác định đối tượng, đối tác là tương đối “nhạy cảm” trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta né tránh, để rồi rơi vào trạng thái mơ hồ, mất cảnh giác, mất tính chiến đấu và khó có thể vạch ra chủ trương, sách lược, chiến lược đúng đắn trong bảo vệ Tổ quốc. Thực tế, xác định đối tượng - đối tác là một trong những nội dung căn bản nhất trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Do đó, vấn đề đối tượng, đối tác vừa qua đã được Trung ương Đảng ta khẳng định rõ: “Vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta. Mặt khác, trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”.

LHQ-ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét