Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế với tỷ lệ tán thành rất cao.
Ngay sau đó, một số đối tượng bình luận rằng, Quốc hội thông qua nghị quyết này là không đúng với chủ trương của Đảng và giúp quân đội “giữ đất”, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm (!). Từ chủ trương nhất quán của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tới chức năng của Quân đội ta và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay đều cho thấy, ý kiến trên là hoàn toàn sai trái.
Chủ trương, chính sách về kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng
“Ngụ binh ư nông” là chính sách đưa quân sĩ vào tham gia lao động sản xuất nông nghiệp đã được nhiều triều đại phong kiến nước ta áp dụng và đã cho thấy tính hiệu quả trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tiếp nối truyền thống quý báu ấy, Quân đội nhân dân Việt Nam từ khi ra đời đã được giao 3 chức năng, trong đó có chức năng "đội quân sản xuất", tham gia xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng. Đây luôn là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta.
Ngày 9-2-2007, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ra Nghị quyết số 10-NQ/TW, trong đó có nêu: “Chuyển các doanh nghiệp chuyên làm kinh tế đơn thuần thuộc các cơ quan đảng, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cho cơ quan nhà nước quản lý, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp”. Như vậy là theo nghị quyết nói trên, chỉ “chuyển các doanh nghiệp chuyên làm kinh tế đơn thuần...”, nhưng các đối tượng chống phá cố tình xuyên tạc để xã hội hiểu sai rằng quân đội sẽ không tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế nữa.
Sau đó chỉ hơn 9 tháng, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 105-QĐ/TW ngày 20-11-2007 “Về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam” đã nêu rõ một trong những chức năng của Quân ủy Trung ương là “Lãnh đạo quân đội lao động, sản xuất, làm kinh tế theo đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đạt năng suất, chất lượng cao”. Văn bản này cũng nêu rõ: “Đảng ủy đơn vị sản xuất quốc phòng và làm kinh tế có nhiệm vụ: Lãnh đạo đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; quán triệt và thực hiện quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, quốc phòng, an ninh với kinh tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong mọi tình huống theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của quân đội; sản xuất, kinh doanh phát triển, đạt hiệu quả kinh tế-xã hội cao; góp phần cùng các doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân”; “Cấp ủy đảng trong các doanh nghiệp của quân đội liên doanh với nước ngoài có nhiệm vụ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các bên trong doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi, nhân phẩm người lao động”.
Cán bộ Đoàn KT-QP 356 động viên gia đình có người thiệt mạng ở bản Lùng Than, xã Mù San, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Qdnd.vn |
Tại Quy định số 59-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 22-12-2016 quy định về tổ chức Đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam cũng quy định rõ: Quân ủy Trung ương có nhiệm vụ "Lãnh đạo quân đội lao động sản xuất, làm kinh tế đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước". Văn bản cũng quy định: "Đảng ủy đơn vị sản xuất quốc phòng và làm kinh tế có nhiệm vụ: Lãnh đạo đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; quán triệt và thực hiện quan điểm kết hợp kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế-xã hội tạo thế quân sự, quốc phòng trong khu vực phòng thủ ở địa phương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong mọi tình huống; sản xuất, kinh doanh phát triển, đạt hiệu quả kinh tế-xã hội cao theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của quân đội; góp phần cùng các doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân".
Như vậy, Đảng ta luôn coi trọng chức năng "đội quân sản xuất" của quân đội và luôn nhất quán chủ trương quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng. Trong rất nhiều văn kiện của Đảng, đặc biệt là trong các văn kiện đại hội toàn quốc của Đảng, vấn đề kết hợp hiệu quả giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng-an ninh; xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế-quốc phòng; phát triển công nghiệp quốc phòng... thường xuyên được nhắc đến cả trong phần đánh giá kết quả đạt được và trong phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ.
Điều 68 Hiến pháp cũng quy định rõ: “Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh; bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh...”. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, nhiều văn bản pháp luật đã có những quy định về xây dựng nền công nghiệp quốc phòng; kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng.
Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là phù hợp với thực tiễn nước ta
Thực tiễn cho thấy, trong suốt 76 năm qua, Quân đội ta luôn thực hiện tốt cả 3 chức năng "đội quân chiến đấu", "đội quân công tác" và "đội quân sản xuất", được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao.
Trước hết, tất cả các đơn vị quân đội đều thực hiện tăng gia sản xuất. Ngay cả những nơi đóng quân trong điều kiện rất khắc nghiệt như ở các đảo xa, bộ đội vẫn trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm và hải sản để cải thiện bữa ăn. Nhờ hoạt động tăng gia sản xuất, chất lượng bữa ăn của bộ đội được cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao thể lực và hiệu quả huấn luyện, học tập của cán bộ, chiến sĩ.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ hoạt động kinh tế đơn thuần đã được chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thoái vốn, cổ phần hóa... Các doanh nghiệp còn lại do quân đội quản lý đều đang tham gia thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường, sản xuất phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của các doanh nghiệp này chỉ đạt một phần công suất thiết kế của dây chuyền công nghệ và năng lực lao động, sản xuất của công nhân, thu nhập thấp rất khó giữ chân người lao động. Để tránh lãng phí nguồn lực, việc kết hợp nhiệm vụ xây dựng kinh tế để tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu để đóng góp thêm vào ngân sách nhà nước, tạo nguồn lực đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ để quay lại phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng tốt hơn là rất cần thiết. Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp quân đội triển khai thực hiện nhiệm vụ theo hướng kết hợp, lưỡng dụng đều đã phát huy hiệu quả, thực sự “giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân”, đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước. Các doanh nghiệp quân đội đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 41.000 tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 145.000 lao động, trong đó có nhiều thương hiệu hàng đầu, đóng góp ngân sách hàng đầu và cũng đi đầu trong đổi mới công nghệ trong đội ngũ các doanh nghiệp Việt Nam. Điển hình như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam...
Mô hình đoàn kinh tế-quốc phòng được xây dựng từ năm 1999, đến nay đã có nhiều đoàn kinh tế-quốc phòng ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Các đoàn kinh tế-quốc phòng là lực lượng tại chỗ giúp dân xóa đói, giảm nghèo; tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng; giúp nhân dân tiêu thụ nông sản; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc... Các đoàn kinh tế-quốc phòng có vai trò quan trọng trong công cuộc gìn giữ an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế-xã hội ở những địa bàn đặc biệt khó khăn mà hầu như không có doanh nghiệp nào ngoài quân đội muốn đầu tư. Có thể nói, các đoàn kinh tế-quốc phòng, các doanh nghiệp quân đội ở địa bàn khó khăn, là điển hình trong thực hiện 3 chức năng của quân đội, vừa lao động sản xuất, vừa làm công tác vận động quần chúng và cũng là đội quân chiến đấu khi có tình huống.
Quốc hội ban hành nghị quyết là đúng đắn, cần thiết
Như vậy, Quân đội ta tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là cần thiết, đúng chủ trương của Đảng, phù hợp với thực tiễn, phù hợp yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đất đai giao cho quân đội quản lý, vừa phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, vừa là tư liệu sản xuất thiết yếu, là cơ sở quan trọng để quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng. Các đơn vị quân đội cần sử dụng đất để trồng trọt, chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Các doanh nghiệp quân đội, các đoàn kinh tế-quốc phòng cần đất để đặt trụ sở hoạt động; xây dựng nhà máy, kho xưởng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng nông, lâm, ngư trường... Do vậy, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, phù hợp với thực tiễn và cần thiết.
Trái với luận điệu xuyên tạc của những kẻ chống phá, rằng quân đội chỉ muốn “giữ đất”, không chịu giao đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã nhiều lần khẳng định: Bộ Quốc phòng sẵn sàng chuyển giao đất cho địa phương quản lý nếu vị trí đất đó không thực sự cần thiết cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Thực tế, quân đội đã bàn giao hàng chục nghìn héc-ta đất, trong đó có nhiều vị trí đất “vàng” cho địa phương quản lý, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, những diện tích đất có vị trí quan trọng phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng thì không thể giao lại cho địa phương, vì khi phát sinh tình huống sẽ rất khó thu hồi kịp thời để thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trong điều kiện bình thường, khi chưa phát sinh tình huống quân sự, quốc phòng, những diện tích đất ấy được dùng cho lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần tăng tiềm lực quân sự, quốc phòng. Khi phát sinh tình huống, diện tích đó được sử dụng ngay cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Thực hiện như vậy cũng sẽ tránh diện tích đất quốc phòng bị lấn chiếm như thực tế đã xảy ra ở một số nơi, sau đó việc thu hồi đất bị lấn chiếm rất gian nan, phức tạp.
Việc sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động kết hợp kinh tế với quốc phòng là đúng chủ trương của Đảng, có tính lịch sử, kế thừa, gắn liền với quá trình xây dựng, phát triển quân đội qua nhiều thời kỳ. Dù trong thời kỳ nào, Bộ Quốc phòng luôn quán triệt và yêu cầu khi sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế phải tuân thủ nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, phù hợp với quy hoạch, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của quân đội; bảo đảm nguyên tắc ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và dự trữ lâu dài nguồn đất đai phục vụ nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, để kịp thời sử dụng khi có tình huống xảy ra. Do đó, luận điệu xuyên tạc rằng quân đội giữ đất là vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm là hoàn toàn sai trái, cần phải được nhận diện để phản bác.
Có thể thấy, việc Luật Biên phòng Việt Nam; Nghị quyết về tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đều được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao, trong đó có nghị quyết đạt tỷ lệ tán thành 100% số đại biểu tham gia biểu quyết, chứng tỏ việc chuẩn bị các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới quốc phòng được chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học và toàn diện, hợp hiến, hợp lý và hợp lòng dân. Kết quả nói trên cũng cho thấy sự đồng tình, ủng hộ của đại biểu Quốc hội và nhân dân đối với các vấn đề quốc phòng. Đó là cơ sở quý báu để tiếp tục nâng cao sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, vì mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét