Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

 

Cảnh giác với thủ đoạn mượn chuyện về sách giáo khoa lớp 1

để xuyên tạc, chống phá

 

          Năm học 2020 - 2021, có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đưa vào giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau hơn 1 tháng sử dụng, dư luận đang có ý kiến về sách tiếng việt bộ Cánh Diều có nhiều “sạn” trong việc dùng từ ngữ chưa phù hợp, rồi tính giáo dục trong các câu chữ. Trước tình hình trên, ngày 12/10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách cầu thị, khoa học những góp ý về sách giáo khoa lớp 1 mới. Đa số những phát hiện, góp ý đều thể hiện sự tâm huyết với nền giáo dục và sự nghiệp trồng người, song thật đáng tiếc có những phản biện đã đi quá đà khi chuyển sang trạng thái chửi bới, miệt thị, châm biếm. Kể cả những thông tin chưa rõ ràng cũng được đưa lên để mổ xẻ, bôi nhọ, tấn công. Điển hình, ngày 15/10/2020, VOA tiếng Việt cho đăng bài viết nhan đề “Phu Chữ” của Hoàng Hoành Sơn với nhiều nội dung có lời lẽ hết sức thô tục, bôi nhọ, xuyên tạc, đánh giá cả một nền giáo dục.

          Mở đầu bài viết, Hoàng Hoành Sơn đã hết sức phiếm diện đưa ra nhận định “Vâng, đó đoạn kết cho câu chuyện sách giáo khoa “đầy sạn” râm ran tại Việt Nam (VN) thời gian qua. Nó phác họa hình ảnh một nền giáo dục tả tơi, thiếu đạo đức khi các cháu bé đến tuổi đi học bị biến thành những con chuột bạch”. Không cần bàn việc Sơn được giáo dục, học hành ra sao, chỉ đọc lời lẽ mà người này viết ra thì cũng dễ dàng thấy tâm địa đen tối của hắn. Có lẽ, Hoàng Hoành Sơn tự hào vì trước đây mình được học những cuốn sách ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng, có tính giáo dục, nhân văn. Nhưng chính người này lại buông những lời để ném đá, chửi bới, thoá mạ rất khủng khiếp. Trẻ em là những thiên thần tuyệt vời của cuộc sống, vậy mà Sơn lại ví các em là “chuột bạch”, là “gà đẻ trứng vàng”, “phu khuân vác”, “con tin”…Ôi! Thật đáng thương. Không phải thương cho các em nhỏ, mà đáng thương cho tư tưởng và suy nghĩ bệnh hoạn của Sơn. Có thể không khó để nhận ra trong ngôn ngữ ví von ấy có bóng dáng của sự biến thái, thực dụng và khủng bố.

           Hoàng Hoành Sơn còn phiến diện đưa ra sự so sánh khập khiễng giữa nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa với nền giáo dục Việt Nam cộng hòa trước đây. Một nền giáo dục của một chế độ không được thừa nhận, chỉ tô vẽ và phục vụ lợi ích cho chế độ chính trị Việt Nam cộng hòa. Thực tiễn tổng kết chỉ ra rằng, nền giáo dục Việt Nam cộng hòa có đến một nửa số trẻ em không được học hành, khoảng 50% dân số mù chữ, đại đa số các trường tư chỉ giành cho con em nhà giàu, gia đình quyền thế. Ngược lại, nền giáo dục ở Việt Nam hiện nay được Đảng và nhà nước hết sức quan tâm, coi giáo dục là “quốc sách” hàng đầu, nền giáo dục đang từng ngày phát triển, trình độ dân trí ngày càng nâng cao; nhiều chủ trương, chính sách khuyến học đem lại cơ hội học tập và việc làm tốt hơn cho thế hệ trẻ. Những giá trị tốt đẹp của nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam được khẳng định qua những số liệu “biết nói” và sự công nhận của các quốc gia, các tổ chức, các nền giáo dục hàng đầu trên thế giới mà có lẽ Hoàng Hoành Sơn cũng nên tìm hiểu để mở mang nhận thức và suy nghĩ thấu đáo hơn. Có thể nêu ra một vài ví dụ, theo báo cáo được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 3/2018, có 07 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới đang nằm ở khu vực Đông Nam Á -Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam được đánh giá có hệ thống giáo dục phát triển thực sự ấn tượng. Nhiều học sinh Việt Nam đã đạt giải thưởng cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế ở các môn như Toán học, Vật Lý, Hóa Học, Sinh học, Tin học. Đặc biệt, Việt Nam được quốc tế ghi nhận là quốc gia đã hoàn thành mục tiêu đưa trẻ em đúng độ tuổi được đến trường, cơ bản hoàn thành phổ cập trung học cơ sở.

          Nhìn ở khía cạnh quốc tế, dưới bất kỳ chế độ nào thì nền giáo dục dù có tiên tiến đến đâu cũng không tránh khỏi những hạn chế, bất cập do sự tác động của các yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan. Ngay như nước Mỹ, đất nước luôn tự hào có “nền giáo dục tinh hoa”, nhưng tháng 3/2019, dư luận Mỹ cũng chấn động vì vụ bê bối chạy trường lớn nhất từ trước tới nay tại nước này với tổng cộng 50 người bị bắt và truy tố.

          Vì vậy, trước khi phản biện hay nhận xét một sự việc, Hoàng Hoành Sơn hãy tìm hiểu cho kỹ; trước khi phát ngôn hãy thận trọng chứ không nên “xuyên tạc”, “đổi trắng thay đen”. Mọi phân tích, bình luận sai sự thật chỉ làm cho xã hội nhìn rõ hơn bản chất phản động, lưu manh của Sơn mà thôi. Xin nhắn thêm với Hoàng Hoành Sơn rằng: “Khi ta quen sử dụng từ ngữ ác độc với người khác thì đã không biết rằng sự ác độc đã xâm chiếm lấy ta”.

 

 


 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét