Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

Biện phấp đấu tranh với sự bành trướng trên biển Đông của Trung Quốc

Trong thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực đã có những biến động sâu sắc. Các nước lớn điều chỉnh chính sách đối ngoại đã tạo ra nhiều xáo trộn trong quan hệ quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xung đột ở nhiều khu vực, trong đó có Đông Nam Á và Châu Á- Thái Bình Dương. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa đơn phương gia tăng, sự quay trở lại của chính trị cường quyền đang thách thức vai trò của các thể chế quốc tế và khu vực. Các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế trái với chuẩn mực đã được thừa nhận diễn ra ngày càng phổ biến.

Trung Quốc, sau Đại hội Đảng lần thứ XVIII thực hiện điều chỉnh chiến lược phát triển từ “giấu mình chờ thời” sang “hành xử nước lớn” nhằm đạt mục tiêu “giấc mộng Trung Hoa”, thực hiện chiến lược ‘Vành đai, con đường” nhằm kết nối Đông Á năng động với nhiều trung tâm phát triển ở châu Âu tạo không gian kinh tế mới nhằm mục đích thoát khỏi sự kiềm tỏa của Mỹ, đuổi kịp Mỹ và vượt Mỹ trở thành nước đứng đầu thế giới với mục tiêu đặt ra đến năm 2025 thay Mỹ lãnh đạo Châu Á- Thái Bình Dương và đến năm 2050 thay Mỹ lãnh đạo thế giới.
Nhằm thực hiện mục tiêu đó Trung Quốc đã xác định mục tiêu chiến lược là hướng ra Biển Đông bởi lợi ích đặt được trên biển là rất lớn khi mà những tài nguyên thiên nhiên trên đất liền bắt đầu có xu hướng cạn kiệt. Với vị trí địa chiến lược về cả kinh tế, quân sự của Biển Đông nên bất chấp sự phản đối của các nước có lợi ích liên quan và pháp luật quốc tế, Trung Quốc ngang nhiên đưa ra đường lưỡi bò chín đoạn trên Biển Đông, coi phán quyết của Tòa quốc tế như tờ giấy lộn khi Phiplipin tiến hành kiện Trung Quốc lên Tòa quốc tế.
Tàu Liêu Ninh của Trung Quốc ở Biển Đông
Không từ bỏ mục tiêu của mình, nhằm đạt mục đích bất chấp thủ đoạn mục đích độc chiếm biển Đông, Trung Quốc đã ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển: chiếm đóng trái phép Hoàng Sa sau vụ hải chiến Hoàng Sa năm 1974 với Việt Nam Cộng Hòa; xung đột giành quyền kiểm soát Gạc Ma (1988); vụ Hải Dương 981 (2014) đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam; tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm bãi Tư Chính (2019); xây dựng các đảo nhân tạo và các cơ sở có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, và mới đây nhất tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam (ngày 02/4/2020) và lợi dụng tình hình các nước đang căng mình phòng chống đại dịch Covid-19 để leo thang hoạt động khiêu khích ở Biển Đông, Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên công bố cái gọi là “Danh xưng tiêu chuẩn” của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể địa lý ở dưới Biển Đông mà phần lớn nằm trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam… Sau đó tiếp tục “cả vú lấp miệng em” vu cho Việt Nam đâm tàu Trung Quốc và ngang nhiên gửi công hàm lên Liên Hợp quốc phản đối Việt Nam khi ta liên tục gửi công hàm phản đối các hành động của Trung Quốc….
Trước những việc làm đó của Trung Quốc, đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, kiểu như tại sao Nhà nước ta không có động thái gì? Quân đội tại sao không thể hiện vai trò của mình? Thậm chí còn có luận điệu cho rằng Quân đội đang làm mất vai trò bảo vệ Tổ quốc của mình, tại sao không chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo…. Rồi khi thấy Mỹ có những hành động phản đối Trung Quốc thì cho rằng nên dựa vào Mỹ để đấu tranh trên Biển Đông với Trung Quốc…vv..
Trước tình hình toàn cầu hóa, lợi ích các quốc gia đều có sự đan xen với nhau và ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Cho nên hiện nay các nước vừa cố gắng bảo vệ chủ quyền của mình, quyền lợi của mình vừa tránh gây đổ vỡ hoặc xung đột, giảm đối đầu, tăng hợp tác- đối thoại và sử dụng các công cụ thuộc “sức mạnh mềm” phối hợp với sức mạnh cứng… Cho nên việc gây nên xung đột trên Biển Đông là việc làm không cần thiết và ảnh hưởng rất lớn đến nhiều vấn đề, một khi xung đột, chiến tranh xảy ra chắc chắn cái mất sẽ nhiều hơn cái được khi mà tình hình chính trị, xã hội bất ổn định, các doanh nghiệp nước ngoài rút chạy, doanh nghiệp trong nước đình trệ sản xuất, nguồn vốn, nguyên liệu hạn hẹp, kinh tế chắc chắc sẽ suy sụp, đời sống nhân dân suy giảm, đó cũng lại là cơ sở cho các thế lực tranh nhau xâu xé miếng bánh lợi ích trên lưng chúng ta. Vậy việc gây xung đột là có nên? Và nếu ta chủ động gây xung đột trước lại chính là cái cớ mà Trung Quốc đang cần để chống lại ta.
Còn việc dựa vào Mỹ để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc? Nên nhớ mối thù thất bại tại chiến trường Việt Nam năm xưa vẫn là vết nhơ trong lòng nước Mỹ, chưa bao giờ Mỹ quên, Đảng ta cũng xác định Mỹ vừa là đối tác vừa là đối tượng. Trong lịch sử, Trung Quốc và Mỹ đã từng đi đêm với nhau chia chác lợi ích trên lưng Việt Nam.
“Không có kẻ thù hay bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn”. Ngày nay với tất cả các quốc gia thì lợi ích quốc gia- dân tộc đều được đặt lên lên hết, đó là động thái cơ bản nhất quyết định thái độ và quan hệ giữa các nước trong bối cảnh khoa học- công nghệ và toàn cầu hóa. Đây cũng là yếu tố quyết định sự hợp tác, liên minh, tập hợp lực lượng hay đấu tranh trong bối cảnh mới. Cho nên đừng thấy Mỹ phản đối Trung Quốc hay cho tàu quân sự vào Biển Đông là giúp ta. Đó chỉ là do Mỹ lo sợ lợi ích của Mỹ ở Châu Á- Thái Bình Dương bị ảnh hưởng mà thôi. Khi cần thiết, nếu đạt được lợi ích Mỹ cũng sẵn sàng coi Việt Nam là con tốt trên bàn cờ chính trị quốc tế để đạt mục tiêu của mình. Bởi hiện nay Trung Quốc đang thực thi chính sách đối ngoại “quan hệ nước lớn kiểu mới” với Mỹ, về vấn đề kinh tế- thương mại tuy có nhiều bất đồng xung đột bởi cuộc chiến thương mại, xong quan hệ an ninh- chính trị vân có nhiều lợi ích chung lớn đan xen, tùy thuộc lẫn nhau. Khi cần có thể bắt tay nhau để đạt lợi ích, mục đích của mình.
Hiện nay việc đấu tranh với sự bành trướng trên biển Đông của Trung Quốc là điều đã, đang và sẽ làm, nhưng không phải thông qua xung đột vũ trang hay dựa vào các nước lớn. Chúng ta chỉ có phát huy tốt độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại vào bất cứ quốc gia hay sự chống lưng nào để đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia dân tộc. 
Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam
Thông qua các kênh ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng kiên quyết bằng các hành động không cho Trung Quốc thực hiện các hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo. Thực hiện “vừa hợp tác vừa đấu tranh” với Trung Quốc, thúc đẩy thực thi luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Hiện nay các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đang gặp phải sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, các quốc gia trong khu vực. Nếu không khéo, Trung Quốc có thể sẽ gặp nhiều thiệt hại trên các mặt khác khi cố tình leo thang tại Biển Đông./.


1 nhận xét:

  1. Chiến lược ngoại giao phải phụ thuộc vào thế và lực của ta; không phải muốn sao cũng được. Sai lầm trong đối ngoại là sẽ dẫn tới thảm họa; bất kể nước nào cũng như vậy.

    Trả lờiXóa