Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Việt Nam hỗ trợ thế giới chống đại dịch

Báo chí khu vực và thế giới tiếp tục các bài viết ca ngợi Việt Nam trụ vững khi đối đầu với đại dịch COVID-19, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thực tế và giúp đỡ các nước khác trong cuộc chiến gay go này.

Bloomberg đưa tin Việt Nam đã tặng 250.000 khẩu trang y tế cho Mỹ. Hà Nội cũng chuyển khẩu trang và thiết bị y tế sản xuất nội địa trị giá 100.000 USD cho Nhật Bản và trước đó đã quyên góp số lượng tương tự tặng cho các nước láng giềng Campuchia, Lào và các nước châu Âu.
Rossiyskaya Gazeta cung cấp thông tin về việc 150.000 khẩu trang kháng khuẩn sản xuất tại Việt Nam được chuyển sang Nga. Tuần trước, Nga đã nhận thêm 50.000 khẩu trang cũng do Việt Nam trao tặng. Ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam đang chuyển sang sản xuất các thiết bị bảo hộ y tế.
The Malaysian Reserve viết rằng đại dịch đã tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành nhà sản xuất khẩu trang tầm thế giới. Ngành may mặc Việt Nam nhận được đơn đặt hàng hàng trăm triệu khẩu trang cho các đối tác Mỹ và Đức.
Asia Times dẫn ý kiến chuyên gia nhận xét rằng chính sách “ngoại giao khẩu trang” này cho thấy sự gia tăng “sức mạnh mềm” của Việt Nam và sẽ rất hữu ích cho đất nước trong tương lai. Một số chuyên gia nêu giả thiết rằng nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn các nước Đông Nam Á khác vào năm 2021, đặc biệt là nếu như Mỹ, Nhật Bản và EU mạnh tay chuyển chuỗi sản xuất-cung ứng của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ngày càng có nhiều bài viết trên báo chí thế giới chú ý tập trung phân tích nguyên nhân thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. NPR nêu nhận định rằng nền tảng thành công là dựa trên kinh nghiệm đấu tranh chống các trận đại dịch trước đó, sớm thực hiện chính sách quyết liệt về giãn cách xã hội, và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn xã hội.
NPR dẫn lời các chuyên gia phương Tây làm việc tại Việt Nam nói về tính xác thực qua những dữ liệu do Việt Nam công bố về diễn biến lây lan COVID-19. The Strategist bổ sung thêm rằng số trường hợp mắc bệnh thấp “một cách đáng ngạc nhiên” ở Việt Nam (dưới 300 ca) và không có bất kỳ ca tử vong nào - là kết quả của việc theo dõi cẩn thận và rộng rãi việc di chuyển của cư dân, đo nhiệt độ thường xuyên tại các cửa khẩu sân bay và những nơi công cộng, quản lý tốt việc cách ly tập trung. Việt Nam cũng đã thể hiện phong cách “thủ lĩnh” đáng nể trong lĩnh vực ứng nghiệm đổi mới bằng cách sáng chế và xuất khẩu những bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh, giá cả phải chăng, cho lắp đặt các buồng khử trùng toàn thân để ngăn ngừa lây nhiễm tại các phòng khám và những nơi khác mà mọi người dân tập trung xếp hàng.
Tờ Nikkei Asian Review lưu ý rằng các nước với mô hình dân chủ phương Tây ban đầu phản đối biện pháp của Việt Nam vì cho rằng có tính áp đặt, vi phạm quyền riêng tư. Thế nhưng, sâu trong hệ thống y tế của các nước khi bộc lộ  những hạn chế căng thẳng với con số tử vong cao chóng mặt, chính các nước này bắt đầu “tỉnh ngộ” và đã xem xét sử dụng những biện pháp tương tự vì lợi ích của toàn cộng đồng.
Trong khi đó, tờ East Asia Forum cho rằng hiện phần lớn các nước châu Á-Thái Bình Dương đều tập trung lo chống dịch bệnh COVID-19, nên những vấn đề khác của chính trị khu vực bị đẩy xuống hàng thứ yếu, nhưng Hà Nội cần chuẩn bị để sớm trở lại xúc tiến hoạt động địa chính trị, đặc biệt là trong năm Việt Nam đảm trách vai trò Chủ tịch ASEAN. Không nghi ngờ gì, sau tất cả những thử thách cam go này, tiếng nói của Việt Nam sẽ rất có trọng lượng và đầy thuyết phục, không chỉ trên diễn đàn khu vực mà cả trên trường quốc tế.
Hoa Chanh

1 nhận xét: