(Theo
báo Sputnik) Việt Nam đã qua “đỉnh
dịch” COVID-19 hay chưa? Khi nào Việt Nam có thể công bố hết dịch? PGS.TS Trần
Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế, cố vấn cấp cao Trung
tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng Việt Nam khó có
làn sóng thứ hai bùng phát dịch COVID-19, nhưng nếu chủ quan thì có nguy cơ vỡ
trận, dịch bệnh sẽ lại bùng phát.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho
biết, sắp tới, Việt Nam có thể có thêm những ca mắc COVID-19 từ người nhập
cảnh. Việt Nam thực hiện chính sách bảo hộ công dân nên tiếp tục có người nhập
cảnh, do đó sẽ tiếp tục phát hiện người dương tính trong số này hoặc những
người đi theo đường bộ, lối mòn vào Việt Nam. Dù có ca dương tính, song không
đáng ngại vì đã cách ly được số lượng này ngay từ đầu. Do đó, nguy cơ lây nhiễm
ra cộng đồng là rất thấp.
Phân tích thêm về nguy cơ
thứ hai của Việt Nam là lây nhiễm ngoài cộng đồng, PGS.TS Trần Đắc Phu cho
rằng, cần phải xác định vẫn còn những ca dương tính ngoài cộng đồng. Với các ổ
dịch từng đối phó như Sơn Lôi, bar Buddha, Bạch Mai, Hạ Lôi, khi phát hiện đã
được phong tỏa, kiểm soát chặt từ F0, kể cả F1, F2, cách ly triệt để, hạn chế
cho tiếp xúc với nhau nên đã kiểm soát tốt. Các ổ dịch được phong tỏa 28 ngày,
những ai có dấu hiệu đều đã được phát hiện:“Phần lớn Việt Nam quản lý được
các ổ dịch, nhưng ở cộng đồng thì khác, dù có thực hiện giãn cách xã hội cũng
không thể quản được 100%. Một đất nước gần 100 triệu dân, vẫn còn đi lại, gặp
nhau, hơn nữa có nhiều người mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Do
đó, nguy cơ còn ca mắc ngoài cộng đồng là vẫn luôn có”.
Điều khiến cố vấn cấp cao
Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam lo ngại chính là
hiện tượng “vượt biên, đi qua đường mòn, lối mở”, ví dụ như ca nhiễm SARS-CoV-2
ở Đồng Văn (Hà Giang), là điển hình của việc giao lưu với nước ngoài, ngay sát
biên giới. Tuy nhiên, tình hình cơ bản không đáng ngại vì diện tiếp xúc của số
này không rộng.
Liên quan đến những lo ngại
sau khi xuất hiện 8 ca dương tính trở lại, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, về cơ
bản, Việt Nam cũng đã phát hiện và cách ly được những người này. Về lý thuyết,
việc tái dương tính có thể lây, song thực tế chưa ghi nhận sự lây nhiễm từ
những người này.
Nói về nguy cơ làn
sóng dịch COVID-19 thứ hai ở Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng
khả năng này xảy ra ở trong nước là rất thấp. Ông khẳng định: “Việt Nam sẽ
làm tốt được việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, nên khó
có nguy cơ đó. Sắp tới, Việt Nam có thể có những ổ dịch nhưng sẽ không lớn, rải
rác và sẽ kiểm soát được”.
Mặc dù vậy, ông vẫn nhấn
mạnh, người dân không nên chủ quan. Nếu không làm tốt, dịch sẽ bùng phát như
các nước. Điển hình là Singapore, từ một nước từng được đánh giá cao về chống
dịch, đã bị vỡ trận và số ca mắc rất cao.
Theo nguyên Cục trưởng Cục
Y tế Dự phòng của Bộ Y tế, tính đến thời điểm này, Việt Nam có một số thành
công. Đầu tiên, những người nhập cảnh đã được cách ly hết, phát hiện các ca
dương tính, gần nhất là 2 người từ Nhật Bản trở về. Tiếp đến là các ổ dịch đều
đã được kiểm soát. Mới nhất là ổ dịch Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội), nếu không có gì
thay đổi, tới ngày 5/5, ổ dịch này sẽ được gỡ phong tỏa. Chủ tịch UBND Tp. Hà
Nội cũng đã đồng ý về việc này. PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý: “Những thành công
này phần lớn là bởi Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội đúng lúc và quyết liệt.
Còn bây giờ, nếu chủ quan sẽ rất nguy hiểm”.
Khi nào Việt Nam có thể
công bố hết dịch COVID-19?
Nhận định về việc “Việt Nam
đã qua đỉnh dịch COVID-19 hay chưa”, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh, Việt Nam chưa
có đỉnh dịch và nếu khống chế tốt thì làm gì có đỉnh dịch: “Có đỉnh dịch hay
không phụ thuộc vào việc chống dịch. Nếu chúng ta thỉnh thoảng có một vài ca
thì không đáng lo”.
Đối với điều kiện công bố
hết dịch, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, để công bố hết dịch thì về quy định
phải đáp ứng điều kiện không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng
thời gian nhất định. Đối với COVID-19 là 28 ngày, được tính từ ngày
trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế. Đồng thời, các biện
pháp chống dịch phải triển khai đầy đủ theo luật bệnh truyền nhiễm, đảm bảo
dịch không còn nguy cơ. PGS.TS Trần Đắc Phu nêu rõ: “Hiện nay, dịch ở quốc tế rất
phức tạp, Việt Nam phải xác định duy trì phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
đã nói, phải sống với dịch an toàn là vì thế”.
Bên cạnh đó, theo ông,
người dân cần thực hiện các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang, tránh giao
tiếp gần, giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người, hạn chế ra đường, nhất là người cao tuổi
hay người có bệnh lý nền, khử khuẩn, rửa tay xà phòng, sát khuẩn. Đồng thời,
tiến hành khai báo y tế, đặc biệt là những người bị ho, sốt, có triệu chứng
nghi vấn hay có yếu tố dịch tễ. PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: “Nếu chủ quan
là rất nguy hiểm. Người dân cần thực hiện triệt để 5 biện pháp này. Tôi thấy
những ngày gần đây, người dân đã rất chủ quan khi đi tắm biển, ngồi ăn gần
nhau. Người dân cứ cho rằng dịch đã hết, điều này rất đáng lo ngại. Sắp tới là
kỳ lễ 30/4, tôi khuyến cáo người dân tuyệt đối không được lơ là các biện pháp
phòng, chống dịch đã được khuyến cáo”.
WHO cảm ơn Việt Nam
Trên tài khoản Twitter,
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảm ơn chính phủ Việt Nam vì đã
đóng góp 50.000 USD hỗ trợ Quỹ ứng phó COVID-19 của WHO. Lãnh đạo WHO bày tỏ: “Cảm
ơn Việt Nam vì đã đóng góp vào Quỹ ứng phó COVID-19 Cùng chung tay!”.
Đại diện WHO tại Việt Nam,
TS. Kidong Park đánh giá, Việt Nam là nước đang đi đầu trong lĩnh vực ngoại
giao y tế, đồng thời bày tỏ cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự giúp đỡ
chân thành, quý báu dành cho Quỹ ứng phó COVID-19 của WHO./.
HOA CHANH
Nếu cả nước đều chung tay dẹp dịch thì dịch bệnh sẽ kết thúc sớm
Trả lờiXóa