Ngày 28/4, tờ Nikkei
Asia Review của Nhật Bản đăng bài phân tích tình hình Việt Nam trong
bối cảnh chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó nhấn mạnh những thách
thức về khía cạnh kinh tế.
Theo bài viết, tại Việt
Nam, các chuyến bay nội địa đã được phép nối lại từ hôm 23/4, trong khi các
biện pháp giãn cách xã hội đã được dỡ bỏ ở phần lớn các khu vực, ngoại trừ một
số địa phương của Hà Nội. Mặc dù vậy, ngay cả khi Việt Nam đã thực sự khống chế
được COVID-19 thì dịch bệnh này vẫn đang làm đảo lộn các kế hoạch kinh tế và
ngoại giao của chính phủ trong năm 2020.
Việt Nam đang phải đối mặt
với những câu hỏi quan trọng, trong đó có việc làm thế nào để khôi phục đà tăng
trưởng và Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ có những định hướng mới gì. Những vấn đề
này có thể sẽ tác động sâu rộng tới chiến lược kinh tế của Việt Nam, chứ không
chỉ tới quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn trên Thế giới.
Năm tới, lãnh đạo Việt Nam
dường như không phải quá khó khăn khi đối phó với thiệt hại mà dịch COVID-19
gây ra trong năm 2020. Việt Nam có vẻ như vẫn vô sự nếu nhìn vào số người nhiễm
bệnh hiện nay.
Trong khi các nước láng
giềng như Indonesia và Singapore vẫn đang phải chứng kiến số người nhiễm bệnh
tăng gần chạm ngưỡng hoặc vượt con số 10.000 người, Việt Nam dường như đã kiềm
chế dịch bệnh bằng các biện pháp nghiêm khắc mà chỉ có một Nhà nước đơn đảng có
thể áp dụng. Chính phủ Việt Nam kiểm soát chặt chẽ việc đi lại ở trong nước,
ban hành lệnh cấm ra ngoài đường, đóng cửa các cơ sở kinh doanh và truy vết sát
sao những người có nguy cơ nhiễm bệnh. Tất cả những điều đó đã mang lại kết quả
khi Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp
hạn chế như nước này đã từng trở thành một trong những quốc gia đầu tiên tuyên
bố khống chế dịch SARS vào năm 2003. Nói cách khác, Việt Nam gần như miễn nhiễm
với sự tàn phá của dịch COVID-19.
Tổng sản phẩm quốc nội
(GDP) của Việt Nam chỉ tăng 3,82% trong quý I/2020, giảm mạnh so với con số
6,97% trong quý IV/2019. Trong báo cáo công bố hôm 14/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế
(IMF) đã dự báo nền kinh tế nước này sẽ chỉ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, sau
2 năm liên tiếp tăng trưởng ở mức 7%. Cũng không thể loại trừ nền kinh tế này
bị tăng trưởng âm.
Mặt khác, Chính phủ có thể
sẽ luyến tiếc về các cơ hội ngoại giao đã bị bỏ lỡ. Với tư cách Chủ tịch ASEAN
trong năm nay, Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN tại Đà Nẵng
trong tháng này, nhưng hội nghị đã bị hoãn ít nhất cho đến cuối tháng 6. Hà Nội
muốn thúc đẩy hợp tác trong khối ASEAN và thúc đẩy nền kinh tế đầy triển vọng
trên trường quốc tế, nhưng những mục tiêu này sẽ phải chờ đợi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
khẳng định Việt Nam có một tương lai tương sáng và bắt đầu phục hồi nhanh một
khi dịch bệnh được kiểm soát. Ông kêu gọi chính quyền các địa phương hỗ trợ thu
hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài - dường như ngụ ý nói đến cơ hội thu
hút dòng tiền từ các công ty toàn cầu đang dịch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi
Trung Quốc.
Nhiều công ty đa quốc gia đã đầu tư vào Việt
Nam, đáng chú ý nhất là tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc, vốn sản xuất
gần 50% sản lượng điện thoại thông minh của thế giới tại Việt Nam và hiện chiếm
khoảng 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Phải có những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy kinh tế phát triển sau đại dịch này
Trả lờiXóa