Trang tin Yahoo Japan
ngày 27/4 phân tích nguyên nhân Việt Nam có thành tích ấn tượng trong công tác
phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, và cho rằng cũng nhờ thành
tích này, Việt Nam đã tạo dựng được uy tín trên cương vị Chủ tịch ASEAN.
Bài viết dẫn một khảo sát gần
đây do Tổ chức khảo sát YouGov của Anh tiến hành cho thấy có tới 93% người Việt
Nam được phỏng vấn cho biết hài lòng với các biện pháp chống dịch COVID-19 mà
Chính phủ thực hiện - đứng đầu danh sách các nước được khảo sát. Trong khi đó,
Nhật Bản đứng ở thứ hạng rất thấp với chỉ 37%.
Điều lạ là mặc dù Việt Nam
có chung đường biên giới dài với Trung Quốc, nhưng cho tới nay, chưa có một
bệnh nhân nào tử vong do COVID-19. Vậy Việt Nam đã tiến hành các biện pháp
phòng dịch như thế nào?
Trước hết, phải thấy rằng
Việt Nam đã từng có kinh nghiệm đối phó với dịch SARS nên đã có các biện pháp
đối phó nhanh chóng với dịch COVID-19 lần này. Ngay khi Vũ Hán xuất hiện người
đầu tiên chết vì dịch bệnh, Việt Nam đã nhanh chóng đóng cửa biên giới và hạn
chế máy bay nhập cảnh. Sang tháng 2/2020, Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo
phòng chống dịch, đồng thời phổ cập kiến thức chuyên môn kết nối giữa Tổ chức Y
tế thế giới (WHO) với mạng lưới 700 bệnh viện trong cả nước.
Tiếp đó, một số phần mềm và
trang thông tin hướng dẫn cách phòng chống dịch đã được xây dựng. Ứng dụng “Sức
khỏe Việt Nam” đã được Viettel hoàn thành trong 6 ngày, nhờ đó đã cung cấp các
phương pháp điều trị và phương pháp cách ly chính xác, tìm kiếm các bệnh viện
xung quanh. Người sử dụng gửi thông tin về tình hình sức khỏe của bản thân, qua
đó xây dựng mạng lưới sức khỏe toàn dân. Sắp tới, phần mềm này còn có thể biết
được nơi ở của người bệnh, người tiếp xúc gần với người bệnh và cả thông tin di
chuyển của họ. Phần mềm này không những chỉ hướng tới người dân trong nước mà
còn được phát triển để phục vụ cả những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt
Nam.
Việt Nam cũng đưa ra quy
định phạt tiền những người đưa thông tin sai lệnh về dịch bệnh, với số tiền
phạt khoảng từ 12 triệu đồng.
Chính phủ và quân đội đã
cùng nhau thực hiện các hoạt động tuyên truyền thông tin tới người dân. Việt
Nam cũng nhanh chóng bắt tay vào sản xuất khẩu trang và có thể sản xuất tới 12
triệu khẩu trang mỗi ngày. Ngoài ra, Việt Nam còn gửi tặng Campuchia và Lào một
số thiết bị y tế.
Với những biện pháp rất
nhanh chóng như sản xuất thiết bị y tế, đóng cửa sân bay, biên giới, trường
học, cách ly toàn xã hội, Việt Nam đã đạt được thành công đáng kể trong phòng
chống dịch COVID-19.
Năm 2020 cũng là năm Việt
Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN. Việt Nam đã thúc đẩy tổ chức Hội nghị cấp cao
trực tuyến ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và thông qua quyết định
thiết lập quỹ phòng chống dịch bệnh COVID-19. Với những thành tựu trong công
tác phòng chống dịch, Việt Nam đã giữ vững vị thế lãnh đạo của mình trong
ASEAN./.
Hoa Chanh
Nội dung bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa