Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN Ở VIỆT NAM

Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, QCN và QCD ở Việt Nam do nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng lên đấu tranh giành lấy. Đó là thành quả trực tiếp của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong Tuyên ngôn độc lập (ngày 2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng... quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Hơn nữa, Người còn khái quát và kết luận: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".
Như vậy, với Hồ Chí Minh và Đảng ta, QCN ở một quốc gia, dân tộc phải dựa trên tiền đề, điều kiện cơ bản là: Độc lập dân tộc, CNXH, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước. Bởi vậy, có thể nói: Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là Tuyên ngôn "kép" về quyền dân tộc tự quyết và QCN của dân tộc Việt Nam và các dân tộc thuộc địa. Đây là cống hiến vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam về lý luận chính trị nói chung, về nhân quyền nói riêng trong thời đại ngày nay.
Hiện nay, QCN và QCD ở Việt Nam luôn được khẳng định, điều chỉnh và mở rộng phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn phát triển của đất nước. Hiện nay, ở Việt Nam, QCN, quyền và nghĩa vụ công dân được quy định tại Chương II, Hiến pháp năm 2013. Văn kiện pháp luật quan trọng này đã tiếp thu những giá trị phổ quát về QCN của cộng đồng quốc tế; đồng thời, kế thừa, mở rộng QCD đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp trước đây của Nhà nước ta (Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992), mà ở đó, lần đầu tiên QCN được đề cập một cách trực tiếp, tách bạch và không đồng nhất với QCD.
Chương II, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện một cách khoa học những nội dung, các nguyên tắc của QCN, QCD, tương thích với các công ước quốc tế cơ bản về QCN. Trong đó, các quyền dân sự, chính trị được quy định đầy đủ, như: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình... Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Nguyên tắc về QCN được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 gồm các nội dung lớn: Xác định rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân; nguyên tắc hạn chế quyền và nguyên tắc "suy luận vô tội". Điều 14, Hiến pháp năm 2013 ghi: "Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các QCN, QCD về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật". Như vậy, nghĩa vụ của Nhà nước bao gồm: Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm (thực hiện) quyền của người dân.
Theo đó, các cơ quan Nhà nước (Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cấp chính quyền...) không được phép ra các văn bản vi phạm các quyền và tự do của người dân đã được ghi trong Hiến pháp. Nhà nước có nghĩa vụ kịp thời ngăn chặn mọi hành vi vi phạm quyền của người dân, dưới bất cứ hình thức nào, khi nào và từ đâu, nhằm bảo vệ người dân; chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp, bảo đảm tính dễ tiếp cận và các dịch vụ sẵn có cho người dân...

1 nhận xét:

  1. Không có nước nào quan tâm đến quyền con người như ở Việt Nam

    Trả lờiXóa