Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Thành quả từ việc duy trì cách ly triệt để ở Việt Nam

Báo Asahi (Tokyo) vừa có bài đánh hiệu quả của công tác cách ly quyết liệt để chống dịch bệnh ở Việt Nam, nội dung như sau:
Vào ngày chủ nhật trung tuần tháng 3/2020, đột nhiên tôi nhận được một tin nhắn bằng tiếng Việt gửi đến điện thoại với nội dung "Mỗi người dân là một người lính tại tiền tuyến trong cuộc chiến chống dịch bệnh".
Đó là tin nhắn yêu cầu người dân cách ly tại nhà để phòng chống dịch COVID-19 mà người gửi ký tên là "Thủ tướng". Tôi vừa mới nhận nhiệm vụ và chuyển đến làm việc tại Hà Nội từ tháng 1/2020 và tới nay mới được khoảng 3 tháng. Thành thật mà nói, ban đầu tôi đã nghĩ rằng việc này là hơi quá. Tuy nhiên, Việt Nam thật sự đang ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh bằng cách thực hiện triệt để việc hạn chế ra ngoài và cách ly các đối tượng nghi nhiễm. Liệu người dân chấp nhận giới hạn của tự do thế nào?
Việt Nam đã bước vào giai đoạn gọi là “cách ly xã hội” kéo dài từ ngày 1/4 tới ngày 15/4. Tất nhiên, người nước ngoài cũng là đối tượng cần chấp hành và tôi đã chuyển sang làm việc tại nhà. Về điểm này thì yêu cầu của Chính phủ Việt Nam gần giống với tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản được ban hành vào ngày 7/4 vừa qua.
Ngay cả trước khi giai đoạn “cách ly xã hội” được thực hiện, người dân cũng được yêu cầu hạn chế ra ngoài. Lúc đầu, mọi người có thể ra công viên hay taxi được phép hoạt động nếu mở tất cả cửa sổ trong xe. Tuy nhiên, hiện giờ, tại thủ đô Hà Nội, xe buýt và taxi cũng đã ngừng hoạt động.
Dòng chữ “Stayhome” không biết từ khi nào đã hiện lên ở góc trên bên trái màn hình chờ điện thoại của tôi. Mặc dù là “yêu cầu”, nhưng tôi cũng cảm thấy không biết làm sao với cuộc sống bị hạn chế nghiêm đến nỗi đi siêu thị mua đồ cũng cảm thấy áp lực.
Trụ cột trong các biện pháp đối phó dịch là “triệt để cách ly”
Tính đến nay, Việt Nam không có người chết do dịch COVID-19. Mặc dù có chung đường biên giới với Trung Quốc, nhưng Việt Nam lại là nước Đông Nam Á có số lượng người nhiễm thấp. Lúc đầu, tôi đã nghĩ nguyên nhân có thể là do không thực hiện đủ xét nghiệm hoặc Nhà nước có khả năng đang che giấu số liệu. Tuy nhiên, nếu muốn nâng cao sự cảnh giác của người dân để phòng chống dịch bệnh, thì cũng cần công khai chính xác số người bị nhiễm bệnh. 
Có thể khó mà nắm được hết số ca nhiễm bệnh, nhưng cũng không có lý do gì để Nhà nước che giấu số liệu. Tháng 3/2020, những người trở về từ châu Âu đã trở thành nguồn lây nhiễm và số người nhiễm bệnh bắt đầu tăng lên. Tuy nhiên, số người nhiễm bệnh trong một ngày cao nhất cũng chỉ là 19 người vào ngày 22/3.
Triệt để cách ly là biện pháp cốt lõi trong ngăn chặn dịch bệnh. Việt Nam đang thực hiện cách ly những người từ nước ngoài trở về trong các doanh trại Quân đội hay ký túc xá trường đại học. Những người có tiếp xúc nhiều với người nhiễm bệnh và những người tiếp túc với những người bị nghi nhiễm đều là đối tượng phải tự cách ly ở nhà. Một số chung cư ở Tp. Hồ Chí Minh đã bị cách ly toàn bộ tòa nhà do phát hiện có ca dương tính là cư dân sống tại đó. 
Người Việt Nam đang nhìn nhận như thế nào?
Khi tôi hỏi một số người dân Việt Nam nghĩ gì về những hạn chế nghiêm ngặt của Chính phủ đối với tự do đi lại thì nhận được câu trả lời rằng “Việt Nam là đất nước đã thắng Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, chính trong những thời điểm như thế này, chúng tôi sẽ đoàn kết đồng lòng”.
Vũ Hương, 22 tuổi, một du học sinh trở về từ Venice vào ngày 13/3 và phải cách ly trong 2 tuần tại một trường quân sự, cho biết: “Đây là một dịp để nghỉ ngơi sau một chuyến đi dài mệt mỏi, và nếu chẳng may bị nhiễm thì cũng không lo sẽ lây sang mọi người trong gia đình”.
Trong căn phòng rộng 18 giường, Vũ Hương ở chung với 13 người bị cách ly khác. Họ dậy lúc 6h30 sáng và tắt đèn vào lúc 22h. Một ngày ăn 3 bữa vào thời gian cố định. Mọi người không được ra ngoài gặp mặt người khác, phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2m với người xung quanh. Ngoài ra, không có hạn chế nào khác. Vũ Hương thường dành thời gian đọc sách, nghe nhạc, cho rằng đây một biện pháp cần thiết trong thời điểm như thế này.
Gavin Weardon, 27 tuổi, một công dân Anh đến Hà Nội để gặp hôn phu người Việt Nam, cũng bị cách ly tại một cơ sở quân sự từ ngày 14-28/3 ngay sau khi đặt chân xuống sân bay. Khi được hỏi “anh nghĩ gì về việc tự do bị hạn chế ?” Gavin trả lời câu hỏi không do dự: “Trong hoàn cảnh dịch bệnh đang lây lan toàn thế giới như hiện nay, bảo vệ những người gần gũi với tôi khỏi lây nhiễm là quan trọng nhất. Tự do mất đi do bị cách ly chỉ là một cái giá rất nhỏ”.
Hoa Chanh

1 nhận xét:

  1. Dịc này rất nguy hiểm, nên phải làm nghiêm túc mới mang lại hiệu quả

    Trả lờiXóa