Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Đỉnh dịch COVID-19 ở Việt Nam vẫn còn phía trước?

Báo chí nước Anh, ngày 21/4 dẫn ý kiến của Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn - chuyên gia về dịch tễ học và chính sách y tế, sức khỏe cộng đồng tại Texas (Mỹ) -  cho rằng có thể Việt Nam sẽ phải nghĩ tới việc “sống chung với lũ” trước virus corona chủng mới, trong khi đỉnh dịch COVID-19 còn có thể ở phía trước.

Theo Tiến sĩ Trần Tuấn, trong bối cảnh chưa tạo ra được vắc-xin, ở Việt Nam, rất có thể những ai chưa bị lây nhiễm sẽ bị lây nhiễm: “Dịch bệnh virus corona này sẽ còn xảy ra, đấy là điều khẳng định về mặt khoa học, bởi  đây là bệnh mới mà con người chưa tiếp xúc trước đó, nên những ai chưa nhiễm, thì trong thời gian tới vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm. Chúng ta đang phòng, chống là để ngăn ngừa sự lây lan chứ chúng ta chưa mong đợi được là chấm dứt hẳn chừng nào chưa có vắc-xin”.
Theo chuyên gia dịch tễ học trên, những nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy bản thân vấn đề miễn dịch tạo được sau khi nhiễm virus cũng không phải  hoàn toàn khả quan để hy vọng có được là vắc-xin “chống đỡ” được dịch bệnh: “Hiện nay, chúng ta phải nghĩ đến một phương án là ‘sống chung với lũ’, tức là phải sống với sự tồn tại của con virus này. Điểm thứ hai là xét từ thực tế trong thời gian vừa qua, có thể nói đây là một loại dịch bệnh mới, cho nên các vấn đề về  xét nghiệm, chẩn đoán đều là trong quá trình mới phát triển, vì thế phải chấp nhận rằng trong điều kiện dịch bệnh, các xét nghiệm về tiêu chuẩn, giá trị trong khoa học có thể chưa thực hiện được đúng các quy chuẩn, hoặc đòi hỏi. Tức là tỷ lệ dương tính giả, âm tính giả, có thể vẫn còn lẫn lộn, ảnh hưởng đến các kết quả. Vì thế, có hai khả năng xảy ra, một là kết quả đó chúng ta (Việt Nam) hoàn toàn đúng, hoặc là cũng có thể gấp một vài lần, nhưng nhìn chung là chấp nhận được”.
Theo ông Trần Tuấn, ngay cả trong trường hợp các kết quả thống kê được về số ca nhiễm COVID-19 có thể tăng lên gấp 5, 10 hay 20 lần thì vẫn có thể nói rằng, ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm COVID-19 trong thời gian qua là rất thấp: “Dịch bệnh vẫn còn ở phía trước. Nếu chúng ta tiếp tục phòng chống bằng cách phong tỏa mạnh, triệt để như thời gian vừa rồi thì chắc chắn là không thể làm được, bởi vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến các mặt khác.
Chúng ta có thể mong đợi là hình thái bệnh ở Việt Nam diễn biến nhẹ. Việt Nam cần các nghiên cứu để chỉ ra rằng thực sự tồn tại diễn biến nhẹ này để có thể giải thích về mặt khoa học,...
Chúng ta đang thu được một kết quả khả quan là trong thời gian vừa qua đã tạo được sự thay đổi nhận thức cho cả chính quyền, người dân là dự phòng quan trọng, và trong dự phòng, phòng chống không lây nhiễm, điểm quan trọng nhất vẫn là vệ sinh cá nhân và giữ khoảng cách trong tiếp xúc ngoài xã hội”.
Hoa Chanh

1 nhận xét: