Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

kHÔNG THỂ PHỦ NHẬN BẢN HÙNG CA BẤT DIỆT


Hướng về kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2020), dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, song qua truyền thông và mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân kiều bào ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đã hướng về quê hương bằng những chương trình hành động thiết thực. Bạn bè quốc tế cũng dành sự ngưỡng mộ, tình cảm tốt đẹp nhất cho Đảng, Chính phủ, quân và dân Việt Nam. Đó là những thanh âm, sắc màu thể hiện cảnh giới của giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết, góp phần nâng cao niềm tin, vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Đáng tiếc là trong bản hùng ca đại đoàn kết, đâu đó vẫn có những tiếng gào lạc phách, lạc nhịp. Một số tổ chức dạng hội, nhóm người Việt Nam ở nước ngoài lại tiếp tục “bổn cũ soạn lại”. Họ tận dụng truyền thông hải ngoại và mạng xã hội, thực hiện các hoạt động kích động hận thù với những cái gọi là “Ngày quốc hận”, “Tháng tư đen”, “Hội luận về 30-4”, “Chuyển lửa đấu tranh về quốc nội” v.v.. Nội dung của những hoạt động này vẫn chỉ xoay quanh các luận điệu bôi nhọ, xuyên tạc về Chiến thắng 30-4 của cách mạng Việt Nam. Bằng các hình thức trao đổi, phỏng vấn, hội đàm, hội luận… họ lợi dụng danh nghĩa “nhà nghiên cứu”, “giáo sư”, “tiến sĩ”, “học giả”… ở hải ngoại, kết nối với một số phần tử cơ hội, bất mãn trong nước để tiếp tục rêu rao phủ nhận, xuyên tạc sự thật lịch sử, cho rằng chiến thắng 30-4-1975 thực chất là cuộc “nội chiến”, là “huynh đệ tương tàn”, rằng đất nước hiện thời đang “lâm nguy” ...
Dư luận kiều bào yêu nước rất bất bình trước việc một bộ phận người Việt Nam tại bắc California (Hoa Kỳ) tổ chức cái gọi là “Ủy ban hành động chống cộng sản” công khai thực hiện các hoạt động xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam. Họ nêu khẩu hiệu “Quyền và lực của chúng ta: Lá phiếu, kiến nghị, biểu dương, biểu tình”, kêu gọi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện phương châm “Đơn giản, khả tín, khắp nơi, đồng bộ”, thực hiện “4 không” (không hòa hợp, hòa giải với Cộng sản Việt Nam; không du lịch Việt Nam; không gửi tiền, quà về Việt Nam; không mua thực phẩm, hàng hóa từ Việt Nam). Dù họ cố tình lên gân kiểu "đao to búa lớn", nhưng cái gọi là “Ủy ban hành động chống cộng sản” thực chất chỉ lèo tèo vài nhóm người. Ngay cả thành phần chủ chốt của tổ chức này, khi đăng đàn tuyên truyền xuyên tạc cũng phải thừa nhận rằng, các hội, đoàn ở đây không tìm được “mẫu số chung” trong hoạt động chống cộng sản. Không tìm được “mẫu số chung” là bởi, đại đa số cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ và các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có nhận thức đúng đắn về tính tất yếu của hòa hợp dân tộc theo đường lối của Đảng và nhân dân ta. Câu chuyện của ông Tạ Hoa Kiên, 73 tuổi, Việt kiều quốc tịch Mỹ mắc Covid-19 được các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh quan tâm, điều trị miễn phí khỏi bệnh là một ví dụ thời sự. Trở về Mỹ, ông Tạ Hoa Kiên đã trả lời phỏng vấn truyền thông sở tại ngay tại sân bay. Những phát biểu cảm kích, chân thành của ông về những ngày được các thầy thuốc ở đất mẹ Việt Nam chăm sóc, điều trị, giúp ông “trở về từ cõi chết”, đã giúp cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thấy rõ hơn một góc nhìn cận cảnh về sự quan tâm của Đảng và tình nghĩa của đồng bào dành cho những người con xa xứ.
Những dẫn chứng như vậy có rất nhiều trên truyền thông và mạng xã hội thời phòng, chống dịch Covid-19. Nó như những loài hoa thơm bung nụ khoe sắc lấn át cỏ dại trong vườn hoa xuân. Nhằm đập lại những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ đất nước, kích động hận thù của những phần tử, tổ chức phản động ở hải ngoại, rất nhiều tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài đã thành lập những kênh truyền thông, tận dụng các mạng xã hội thực hiện nhiều sản phẩm truyền thông phản ánh trung thực, sinh động tình hình trong nước. Thông qua các chuyện mắt thấy tai nghe của những người trở về quê hương sau nhiều năm xa cách, họ đã mang đến cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài những bức tranh toàn cảnh về đất nước, con người Việt Nam sau 45 năm thống nhất. Đó là hiện thực hiển nhiên, không ai có thể xuyên tạc, phủ nhận.

1 nhận xét:

  1. Đại thắng mùa Xuân 1975 được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang sử chói lọi nhất, biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

    Trả lờiXóa