Báo Asahi (Tokyo) ngày 21/4 có bài viết đánh giá
cao các biện pháp cách ly triệt để của Việt Nam trong công cuộc phòng chống
dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo bài viết, bí quyết thành công của
Việt Nam là cách ly triệt để, cách ly không chỉ những người có triệu chứng
nhiễm ngay từ ban đầu mà còn cách ly cả những người tiếp xúc với bệnh nhân mặc
dù không có triệu chứng nào và cả những người nhập cảnh từ nước ngoài.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng khắp
thế giới thì sự gia tăng số lượng người nhiễm bệnh tại Việt Nam đã được chặn
lại. Việt Nam bắt đầu thực hiện việc hạn chế ra ngoài được gọi là “cách ly xã
hội” từ đầu tháng 4/2020, theo đó yêu cầu mọi người dân không ra đường trong
tình huống không cần thiết và cấm tụ tập trên 3 người tại những nơi công cộng.
Tất cả các cửa hàng, cơ sở dịch vụ đều đóng cửa, ngoại trừ những cơ sở thiết
yếu phục vụ đời sống xã hội như siêu thị, bệnh viện. Ban đầu, thời gian cách ly
xã hội dự định thực hiện đến ngày 15/4, nhưng sau đó đã được kéo dài tới ngày
22/4 tại 28 địa phương, trong đó có Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh.
Các biện pháp cách ly được Việt Nam giải thích
là “yêu cầu, đề nghị chứ không phải mệnh lệnh”. Về điểm này thì có nét
tương tự như tình trạng khẩn cấp mà Chính phủ Nhật Bản ban bố hôm 7/4.
Theo công bố của Chính phủ
Việt Nam, số người nhiễm bệnh là 268 người (tính đến sáng 21/4), trong khi
không có người nào tử vong vì dịch COVID-19. Mặc dù có đường biên giới dài
1.400km với Trung Quốc, nơi dịch bùng phát, nhưng số lượng người nhiễm bệnh tại
Viêt Nam rất thấp. Từng có một số ý kiến nghi ngờ được đưa ra trên mạng xã hội
về số người mắc bệnh ở Việt Nam, nhưng hiện những ý kiến đó không còn nhiều
nữa.
Từ đầu tháng 3/2020, khi số người về từ châu Âu
khiến dịch bệnh lây nhiễm rộng, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành cách ly
toàn bộ những người nhập cảnh và những người từng tiếp xúc với bệnh nhân
COVID-19 tại các cơ sở quân sự hoặc trường đại học. Có những nơi cách ly cả một
tòa nhà hay một thôn xóm khi có người nhiễm bệnh. Tính tổng cộng đã có tới
186.000 người bị cách ly, trong khi số được xét nghiệm cũng lên tới 210.000
người.
Kobayashi Kojiro, một người Nhật 54 tuổi kinh doanh nhà hàng Nhật Bản, là người đã
trải qua thời gian bị cách ly. Do công việc nên ông Kobayashi trở về Tokyo ngày
15/3 và quay lại Việt nam ngày 19/3. Ban đầu, ông không thuộc diện đối tượng bị
cách ly, nhưng sau đó cũng bị xếp vào nhóm này sau khi thành phố Hà Nội thực
hiện biện pháp cách ly đặc biệt đối với những người nhập cảnh vào đây trong
vòng 7 ngày tính tới thời điểm ngày 22/3. Mặc dù không có triệu chứng gì nhưng
ông Kobayashi đã tự cách ly tại khách sạn cho đến tận ngày 2/4. Trong thời gian
này, ông cảm thấy căng thẳng về tinh thần và sụt giảm 3kg. Tuy nhiên, ông cho
rằng “Mạng người
là quý hơn cả. Ở Nhật Bản thì chắc chắn sẽ không thể làm được biện pháp này”.
Gavin Weardon, 27 tuổi, một công dân Anh đến Hà Nội để gặp hôn thê người Việt
Nam, cũng bị cách ly tại một cơ sở quân sự từ ngày ngày 14- 28/3 ngay sau khi
anh này đặt chân xuống sân bay. Khi được hỏi “anh nghĩ gì về việc tự do bị hạn
chế ?” Gavin trả lời không do dự. “Trong hoàn cảnh dịch bệnh
đang lây lan toàn thế giới như hiện nay, bảo vệ những người gần gũi với tôi
khỏi lây nhiễm là quan trọng nhất. Tự do mất đi do bị cách ly chỉ là một cái
giá rất nhỏ”.
Cũng có một số người nước ngoài phản đối các
biện pháp cách ly. Theo truyền thông Việt Nam, đã có một người Colombia
bỏ trốn khỏi nơi cách ly tại một khách sạn ở Hội An, nhưng đã bị tìm thấy và
cách ly lần nữa./.
Hoa Chanh
Bài viết rất hay,cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa