Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

“Chạy làng” hay là “phá hoại” an ninh lương thực?


190.000 tấn gạo là chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước phải mua vào nhập kho trong năm 2020 (bên cạnh 80.000 tấn thóc), dự kiến phải hoàn thành trước ngày 15/6, và Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã đấu thầu và trúng được 178.000 tấn trong tổng số 190.000 tấn gạo nói trên.

Vậy mà trớ trêu thay, chỉ ít ngày sau đó, Tổng cục Dự trữ cho biết, mới chỉ mua được 4% (tương ứng 7.700 tấn gạo) trong tổng khối lượng yêu cầu. Nguyên nhân là rất nhiều doanh nghiệp đã được Tổng cục Dự trữ phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu nhưng lại gửi văn bản từ chối ký hợp đồng.
Sự oái oăm chẳng dừng lại ở đó mà một số doanh nghiệp “bùng” hợp đồng với Nhà nước lại có tên trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu. Không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai xuất khẩu, các doanh nghiệp này lại đăng ký tờ khai xuất khẩu lên tới hàng nghìn tấn.
Điển hình là Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), trúng thầu bán gạo cho dự trữ quốc gia 4.500 tấn (chưa ký hợp đồng) rồi “bỏ chạy”, nhưng lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn. Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn gạo dự trữ, nhưng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn. Công ty Cổ phần Vĩnh Tường và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thuận Ninh cũng nằm trong danh sách trúng thầu, chưa ký hợp đồng với Tổng Cục dự trữ Nhà nước nhưng cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.
Đành rằng, phần lớn doanh nghiệp phụ thuộc việc nhập gạo từ thương lái, nếu đấu thầu xong mới bắt đầu thu mua gạo thì có thể không thực hiện được vì giá gạo trên thị trường tăng, song, đã kinh doanh thì phải tính đến rủi ro và phải giữ uy tín không thể chạy theo xuất khẩu. Những doanh nghiệp này không thể không hiểu rõ ý nghĩa của an ninh lương thực, không đơn thuần là phục vụ cứu đói, mà còn gắn với an ninh quốc gia, ổn định xã hội.
Đáng nói là hoạt động này đang bị nghi ngờ có “lợi ích nhóm”, có gian lận, trục lợi, không minh bạch. Chính vì vậy, ông Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công an vào cuộc để xử lý nghiêm khắc với những doanh nghiệp vừa “thất tín” lại vừa thiếu đạo đức kinh doanh nói trên. Và nếu phát hiện việc “khai khống” thì cần biện pháp mạnh việc “chạy làng”. Bởi hành động của những doanh nghiệp đó chẳng khác gì coi thường phép nước, thậm chí là “phá hoại” an ninh lương thực quốc gia!

1 nhận xét:

  1. Đã hợp đồng là phải thực hiện, các doanh nghiệp sai phạm phải bị xử lý

    Trả lờiXóa