Vô tình tôi đọc được bài của anh
trên báo Quân đội nhân dân điện tử với tiêu đề Bản chất nhân văn của Nhà nước Việt
Nam. Là một lão nông quê mùa, “văn dốt, võ dát”, bản tính lại tò mò,
tôi bị lôi cuốn vào bài viết ngay từ đoạn mở đầu.
Dẫu rằng sự so sánh nào cũng
không tránh khỏi khập khiễng, nhưng anh Hồ Quang Phương đã dùng đại dịch
Covid-19 với những dẫn chứng, lí lẽ thuyết phục để so sánh một cách sinh động bản
chất nhân văn của Nhà nước Việt Nam. Đọc bài viết này chắc nhiều kẻ thiếu thiện
chí, hay rêu rao Việt Nam vi phạm nhân quyền cũng phải chột dạ mà nhận ra rằng:
Nhân quyền ở Việt Nam tốt hơn nhiều nước mà họ từng ca tụng.
Tôi xin chia sẻ bài viết này để
nhiêu người cùng đọc xem có cùng suy nghĩ như tôi không nhé.
“Bản chất nhân văn của Nhà nước Việt Nam
Chính lúc này, đất nước Việt Nam,
chế độ chính trị - xã hội tại Việt Nam đang được dư luận khắp năm châu cảm phục
vì đây là một nhà nước thực sự vì con người, một xã hội đầy tính nhân văn.
Cuộc sát hạch nghiêm khắc
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập của
nước Mỹ năm 1776, Thomas Jefferson đã viết một câu văn bất hủ: “Chúng tôi khẳng
định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa
đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống,
quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Nước Mỹ đã ra đời từ bản tuyên ngôn mà
trong đó trước hết đề cao “quyền sống”, thứ quyền tất yếu và bất khả xâm phạm của
con người.
Khi viết bản Tuyên ngôn Độc lập
khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn
ý văn nói trên của Thomas Jefferson và khẳng định rằng: “Suy rộng ra, câu ấy có
ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào
cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Như thế, Tuyên ngôn Độc lập
của Việt Nam không chỉ đề cao “quyền sống” trên các quyền cơ bản của con người
và mở rộng hơn khi nhấn mạnh rằng mọi dân tộc, mọi con người đều có quyền sống.
Và như vậy, một nhà nước vì con người trước hết phải bảo đảm quyền sống của mọi
công dân.
Đại dịch Covid-19 là cuộc sát hạch
nghiêm khắc, làm lộ rõ những hạn chế của nhiều nhà nước trên thế giới... Ở Mỹ,
đến ngày 5-4, 8.454 người đã tử vong vì Covid-19. Thậm chí, quan chức Nhà Trắng
còn dự tính nước Mỹ có thể mất tới 240.000 người do dịch này trong những tháng
tới. Nhiều nước phát triển khác cũng điêu đứng vì dịch bệnh này với hàng vạn
người tử vong, như Italy đã có 15.362 người tử vong, Tây Ban Nha: 11.947 người
tử vong, Pháp: 7.560 người tử vong, Anh: 4.313 người tử vong. Trong khi đó, Việt
Nam chưa thể so sánh với các nước nói trên về tiềm lực kinh tế, y tế, khoa học
công nghệ thì đến ngày 5-4, đã có hơn 90 người khỏi bệnh (trong tổng số 241 bệnh
nhân, không có người tử vong).
Bí quyết để tạo ra sự khác biệt về
kết quả chống dịch giữa Việt Nam và một số nước trên thế giới là gì? Đó chính
là: Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng tính mạng, sức khỏe của công dân, của
con người; hệ thống chính trị của Việt Nam có năng lực thực hiện những điều tốt
đẹp đó.
Có một thực tế đau lòng đang xảy ra tại một số
nước trong đại dịch Covid-19, đó là người yếu thế đang bị bỏ lại phía sau,
không có cơ hội được chữa bệnh. Kể cả khi được điều trị thì tiền viện phí ở nhiều
nước là quá cao, cho thấy những bất cập trong thiết kế chính sách an sinh xã hội.
Câu chuyện của bệnh nhân Danni Askini (Mỹ) phải trả tới 34.927USD viện phí
(tương đương hơn 800 triệu đồng khi điều trị Covid-19), cho thấy người nghèo
không có bảo hiểm y tế, khi bị bệnh thì nguy cơ mất mạng là rất lớn. Theo ước
tính, tại Mỹ có khoảng 27 triệu người không có bảo hiểm y tế. Những người không
có bảo hiểm y tế e ngại khi phải đi xét nghiệm Covid-19 vì sợ nếu mắc bệnh phải
trả viện phí cao, rồi lại cố đi làm vì sợ mất việc. Đây cũng là một trong những
nguyên nhân quan trọng khiến dịch lây lan mạnh ở một số nước.
Khi quyền sống, khi tính mạng, sức
khỏe không được bảo đảm thì mọi thứ trở nên vô nghĩa. Trong đại dịch Covid-19,
người Việt Nam ở khắp nơi đã về nước và được Tổ quốc dang vòng tay bao bọc. Họ
trở về vì ở Việt Nam, họ được an toàn hơn, được Nhà nước thực sự chăm lo, cho
hưởng các chế độ trong thời gian cách ly phòng dịch và khám, điều trị Covid-19
miễn phí.
Nhà nước bảo vệ sinh mạng của từng người dân
Tại Việt Nam, ngay từ đầu dịch, từ
Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tới Quốc hội, Chính phủ đều coi chống
dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và huy động cả hệ thống chính trị
vào cuộc. Từ ngày 27-1 (mồng 3 Tết Canh Tý), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân
Phúc đã chủ trì cuộc họp phòng, chống dịch và chỉ đạo: Chống dịch như chống giặc!
Thủ tướng cũng tuyên bố sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức
khỏe và tính mạng của nhân dân. Đây là tuyên bố được truyền thông các nước ca
ngợi về tính đúng đắn, sự quyết đoán, sự dũng cảm của lãnh đạo Việt Nam. Những
hành động phòng, chống dịch đã ngay lập tức được thực hiện quyết liệt, đã sớm
mang lại sự yên tâm cho người dân.
Qua dịch bệnh Covid-19 càng thấy
hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam. Hệ thống chính trị của Việt
Nam là một thể thống nhất từ Đảng, chính quyền, đoàn thể, mặt trận, lực lượng
vũ trang, tổ chức chính trị-xã hội... Hệ thống chính trị đó không chỉ bám rễ
vào từng thôn bản, khu phố, từng gia đình mà còn ở trong mỗi con người, tạo nên
nhận thức đúng đắn, là cầu nối, là sợi dây gắn kết vững chắc toàn xã hội. Khi Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến
sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và
hành động để chiến thắng đại dịch Covid-19, ngay lập tức, lời kêu gọi của Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở
nước ngoài đồng lòng thực hiện. Vì thế, khi Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị cách
ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc để phòng, chống dịch Covid-19 thì cả nước
đã nghiêm túc thực hiện. Từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi tới miền ngược,
từ người già tới người trẻ, tất cả đều nhất tâm tôn trọng và thực hiện quy định
của Nhà nước về chống dịch. Hàng quán, khu vui chơi đều đóng cửa. Toàn xã hội,
trong đó có giới trẻ đồng lòng kêu gọi nhau ở trong nhà, không ra ngoài đường,
một phong cách sống, phong cách làm việc mới-làm việc trực tuyến-hình thành
trong thời dịch bệnh. Tất cả những biểu hiện vi phạm đều bị cả xã hội lên án
gay gắt. Nhờ tinh thần đoàn kết một lòng đó, đà lây lan của dịch đã được kiềm
chế.
Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo
các chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, các chính sách khám, chữa bệnh, đặc
biệt là cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch bệnh thể hiện rõ tính nhân
văn. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định rõ các bệnh truyền nhiễm thuộc
nhóm A (gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất
nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh) thì
các bệnh nhân sẽ được điều trị miễn phí. Cuối tháng 1-2020, trước sự nguy hiểm
của dịch Covid-19, Bộ Y tế đã xếp dịch này vào nhóm A. Tại thời điểm đó, tất cả
bệnh nhân của dịch này tại Việt Nam đều được khám, chữa bệnh miễn phí, kể cả đó
là người nước ngoài. Sang giai đoạn 2, kể từ khi xuất hiện bệnh nhân thứ 17,
trước các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, các bệnh nhân người nước ngoài nếu đến
Việt Nam chữa bệnh sẽ được miễn phí xét nghiệm, nhưng phải trả phí chữa bệnh.
Còn tất cả các công dân Việt Nam vẫn được miễn phí khám, chữa bệnh đối với
Covid-19, trong đó có cả các kỹ thuật cao, như: Lọc máu, thở máy, ECMO, thuốc
kháng sinh hoạt lực cao-những kỹ thuật
mà bệnh nhân nghèo ở một số nước không thể với tới.
Tất cả bệnh nhân Covid-19 tại Việt
Nam được hệ thống y tế chăm sóc tận tình chu đáo, kể cả khi họ có tuổi cao, bị
những bệnh lý rất nặng. Đáng chú ý có bệnh nhân Li Ding, người Trung Quốc, 66
tuổi, hội tụ các yếu tố gây tử vong cao bởi Covid-19 khi mang trên mình nhiều bệnh
lý nền, như: Đái tháo đường, cao huyết áp, ung thư phổi đã phẫu thuật, bệnh mạch
vành đặt 2-3 stent, vậy mà vẫn được chữa khỏi. Bệnh nhân Shan 67 tuổi (Vương quốc
Anh) là y tá về hưu, hiểu rõ sự nguy hiểm của Covid-19, đã bật khóc khi được xuất
viện và nói: “Các bác sĩ Việt Nam thật tuyệt vời! Khi mắc bệnh, tôi đã nghĩ rằng
mình sẽ chết"!
Đại dịch Covid-19 trên toàn cầu
đang đặt nhân loại trước thử thách ngặt nghèo nhất về sinh mạng con người. Nếu
không nhìn nhận nghiêm túc về sự nguy hiểm của dịch, có những giải pháp quyết
liệt, phù hợp thì mạng sống của người dân ở khắp nơi trên thế giới sẽ tiếp tục
bị cướp đi. Trong lúc này, chúng ta càng nhận rõ tính ưu việt của Nhà nước Việt
Nam vì dân, vì con người, tính ưu việt của một xã hội Việt Nam đầy nhân văn, đầy
tình đoàn kết, đầy tình Tổ quốc, nghĩa đồng bào, đã tạo ra sức đề kháng tốt như
thế nào đối với đại dịch nguy hiểm này. Chủ trương, chính sách và hiệu quả thực
tế của cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19 thời gian qua đã thêm một bằng chứng
mạnh mẽ, bác bỏ những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch về cái gọi là
"vi phạm nhân quyền tại Việt Nam".
Chúng ta không chủ quan với dịch
Covid-19, vì vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, cần phải tiếp tục nêu cao ý thức,
mỗi người dân là một chiến sĩ để đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, với những gì đã
diễn ra trong thời gian qua, mỗi chúng ta càng thêm vững tin vào sự lãnh đạo
sáng suốt của Đảng và Nhà nước, vào sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, vào con
đường phát triển của đất nước. Chúng ta tin rằng đất nước ta, dân tộc ta sẽ sớm
vượt qua thời khắc đầy thử thách của dịch Covid-19, phát triển bền vững, trường
tồn”.
HỒ QUANG PHƯƠNG
(Qdnd.vn)
Nội dung bài viết rất hay, xin cảm ơn
Trả lờiXóa