Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Việt Nam là quốc gia chống COVID-19 hiệu quả nhất

Theo báo The Nation, tạp chí hàng đầu của Mỹ, vừa đăng bài cho rằng Việt Nam có lẽ là quốc gia ứng phó với đại dịch COVID-19 hiệu quả nhất. Thành tích này có được nhờ khả năng huy động trên quy mô lớn hệ thống y tế, công chức cũng như các lực lượng an ninh, kết hợp với chiến dịch tuyên truyền giáo dục người dân hiệu quả và sáng tạo.

Theo bài viết, kể từ khi COVID-19 bùng phát, Hàn Quốc, Đài Loan và Singpore nằm trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ được ca ngợi vì phản ứng hiệu quả với dịch bệnh. Tuy nhiên, rõ ràng là thiếu sót khi không đưa Việt Nam vào danh sách này. Việt Nam có dân số nhiều hơn dân số Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore cộng lại, nhưng số ca nhiễm chỉ chưa đến 300 so với 10.702 ca ở Hàn Quốc, 11.178 ca ở Singapore và 427 ca ở Đài Loan.
Tuy nhiên, thành tích chống dịch của Việt Nam lại không nhận được nhiều sự chú ý của truyền thông Mỹ. Ví dụ như tờ New York Times: Ngoài việc cập nhật những thông tin từ hãng thông tấn Reuters, tờ báo nổi tiếng của Mỹ chỉ có một bài viết duy nhất về ảnh hưởng của COVID-19 đối với ngành thời trang cách đây 6 tuần, liên quan đến bệnh nhân số 17.
Giống như nhiều nước châu Á khác, Việt Nam đã có tâm lý chuẩn bị từ sớm. Việt Nam là một trong những nơi ghi nhận các ca nhiễm SARS đầu tiên năm 2003 và được khen ngợi vì công tác dập dịch kịp thời và hiệu quả.
Với COVID-19, Việt Nam có tâm lý cảnh giác cao hơn hầu hết các quốc gia khác vì có biên giới giáp Trung Quốc và có lượng lớn khách du lịch từ Trung Quốc.
Cách tiếp cận của Việt Nam không phải dựa trên xét nghiệm diện rộng, cũng không giống cách phản ứng rối loạn của Mỹ cũng như hầu hết các nước phương Tây. Không phải vì nguồn lực của Việt Nam hạn chế, mà là chiến lược chủ động giảm thiểu số ca nhiễm. Tổng số lượt xét nghiệm có thể không phải thước đo nên dùng. Điều đang chú ý là tỷ lệ xét nghiệm/số lượng ca nhiễm và tỷ lệ đó ở Việt Nam cao gần gấp 5 lần so với bất kỳ các quốc gia nào khác. Việc xét nghiệm cũng được triển khai cùng với các biện pháp nghiêm ngặt để lần tìm những người đã tiếp xúc với các ca nhiễm bệnh, cách ly ngay lập tức và nhanh chóng tạo cơ sở dữ liệu theo thời gian thực cũng như 2 ứng dụng di động để người dân khai báo triệu chứng và tình trạng sức khỏe.
Tất cả được hỗ trợ bằng việc huy động quân đội, cảnh sát, hệ thống y tế, nhân viên nhà nước, chiến dịch truyền thông mạnh mẽ và sáng tạo thông qua phim hoạt hình, mạng xã hội, tranh cổ động, song thay hình ảnh anh hùng lao động, nông dân thường thấy bằng hình ảnh bác sĩ đeo khẩu trang.
Có những quan điểm cho rằng Việt Nam là một quốc gia độc đảng, do đó, các con số công bố không đáng tin cậy. Tuy nhiên, rõ ràng nói như vậy là không có lý. Giáo sư Todd Pollack của Trường Y Harvard, người chỉ đạo chương trình Đối tác vì sự tiến bộ y tế tại Hà Nội, khẳng định: “Tôi thấy không có lý do gì để nghi ngờ thông tin từ chính phủ Việt Nam vào thời điểm này. Phản ứng của Việt Nam rất nhanh chóng và quyết đoán. Nếu thực sự dịch bệnh lớn hơn nhiều so với báo cáo chính thức, chúng ta sẽ thấy số lượng nhập viện và các ca cấp cứu tăng bất thường. Nhưng chúng ta không hề thấy điều đó”.
Chính phủ Việt Nam hết sức minh bạch trong công tác xử lý đại dịch. Với khả năng  huy động tất cả các nguồn lực, không có gì lạ khi chính phủ gọi chiến dịch chống COVID-19 là “Cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 2020”, liên tưởng đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 trong chiến tranh chống Mỹ.
Đáng chú ý, trong suốt hơn một tuần kể từ ngày 16/4, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Đương nhiên, điều này không kéo dài bởi ngày 24/4 đã có 2 ca nhiễm mới, nhưng là người từ nước ngoài trở về và đã lập tức được cách ly tập trung.
Sớm muộn gì Việt Nam cũng phải mở cửa lại nền kinh tế, vốn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm nhiều nhà máy trước đây đặt tại Trung Quốc. Biện pháp giãn cách xã hội được kéo dài thêm một tuần, nhưng giờ chỉ áp dụng cho 12 tỉnh, thành được coi là nguy cơ cao. Các sân bay cũng sẽ được hoạt động trở lại.
Việt Nam đã sử dụng hiệu quả thời gian quý báu chống dịch trong 3 tháng đầu. Việt Nam sản xuất và vận chuyển 450.000 bộ quần áo bảo hộ phòng dịch của Dupont sang Mỹ, trao tặng 550.000 khẩu trang cho các nước bị ảnh hưởng nhất ở châu Âu, 730.000 chiếc cho các nước láng giềng là Lào và Campuchia. Với ngành công nghiệp may mặc, một trong những nền tảng chính của nền kinh tế, Việt Nam hiện đã tăng năng lực sản xuất trong nước lên 7 triệu khẩu trang vải mới và 5,72 triệu khẩu trang phẫu thuật mỗi ngày. Tập đoàn lớn nhất Việt Nam là Vingroup cũng cam kết sẽ sản xuất 55.000 máy thở mỗi tháng.
Nhằm ngăn chặn làn sóng COVID-19 thứ hai, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam cho biết một bệnh viện gồm 300 giường bệnh ở gần TP. Hồ Chí Minh mới được mở và được trang bị 10 phòng cách ly áp lực âm. Cuối tháng 3, Việt Nam đã nhập thêm 200.000 bộ kit xét nghiệm nhanh từ Hàn Quốc để chuẩn bị tốt hơn cho công tác ứng phó thời gian tới.
Vì vậy, nếu làn sóng nhiễm bệnh thứ hai ập tới, Việt Nam vẫn có khả năng tiếp tục “đánh bại” dịch bệnh như lần đầu tiên. Thành công ngoạn mục của Việt Nam sẽ đem lại nhiều bài học cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, tiếc thay, với Mỹ có lẽ đã là quá muộn./.
Hoa Chanh

1 nhận xét:

  1. Việt Nam được cả thế giới đánh giá rất cao về công tác phòng, chống dịch bệnh

    Trả lờiXóa