Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Quyết liệt chống dịch: Thành quả, thách thức và cơ hội với Việt Nam


Trang East Asia Forum (Diễn đàn Đông Á) ngày 14/4 đăng bài cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á thành công nhất trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Việt Nam ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên vào ngày 23/1, cùng thời điểm với Pháp. Sau 2,5 tháng, Pháp đang phải “vật lộn” với gần 140.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 15.000 trường hợp tử vong, trong khi Việt Nam - giáp Trung Quốc và có quan hệ kinh tế sâu rộng với nước này – chỉ ghi nhận chưa tới 300 ca dương tính và không có trường hợp tử vong. Dẫu vậy, thành công này không phải là không đi kèm mất mát.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, ngay cả khi COVID-19 vẫn giới hạn trong phạm vi Trung Quốc. Bằng cách huy động các nguồn lực sẵn có để tiến hành cách ly các trường hợp nghi nhiễm và truy tìm các đối tượng tiếp xúc với mầm bệnh, Hà Nội hy vọng sẽ sớm chế ngự được đại dịch - như đã làm với dịch SARS và H5N1 – đồng thời ngăn chặn nguy cơ quá tải hệ thống y tế vốn còn thiếu thốn trang thiết bị.
Đời sống xã hội vốn đã bị ảnh hưởng không nhỏ do dịch bệnh trong suốt 2 tháng trước thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành chỉ thị cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày. Là một quốc gia phụ thuộc vào thương mại, Việt Nam dễ bị tổn thương trước những cú sốc cung - cầu. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng Đông Á đang gây ra tình trạng thiếu hụt đầu vào trong ngành sản xuất. Việt Nam nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cho các công ty trong nước như Samsung và Foxconn.
Ngành xuất khẩu Việt Nam cũng gặp khó khăn trong bối cảnh các nước đóng cửa biên giới và áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ do lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mới. Các doanh nghiệp dệt may hàng đầu tạo thu nhập cho gần 12% dân số Việt Nam đã nhận được thông báo từ các thị trường lớn nhất là Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) tạm ngừng nhập khẩu trong 3 tuần đến một tháng.
Các nhà sản xuất và công nhân tại Việt Nam đang cảm nhận ngày càng rõ những ảnh hưởng của việc dịch COVID-19 “tàn phá” nước Mỹ. Thị trường Mỹ đóng góp 15 tỷ USD giá trị xuất khẩu và chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Sự đình trệ trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ cũng đang gây thiệt hại cho nền kinh tế sôi động của Việt Nam.
Trong quý I/2020, hơn 30.000 doanh nghiệp ở Việt Nam đã phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí là phá sản. Đối với những doanh nghiệp vẫn đang hoạt động, Chính phủ đã đề xuất các ưu đãi kinh tế, bao gồm giảm thuế lên tới 2 tỷ USD và cung cấp gói tín dụng hơn 11 tỷ USD. Cần có thời gian để thấy mức độ hiệu quả của những biện pháp này.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể vượt qua đại dịch với mức độ “sứt mẻ” ít hơn các nước khác. Mặc dù tốc độ tăng trưởng năm 2020 dự kiến ​​giảm xuống 4,9%, song Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương - và có lẽ trên thế giới - vẫn đảm bảo được tốc độ tăng trưởng tích cực.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định, Việt Nam vẫn là nền kinh tế “đặc biệt mạnh mẽ” trong vùng. Mặc dù tạo gánh nặng lớn hơn đối với ngân sách đang khó khăn của Việt Nam, song việc giảm sâu giá xăng dầu tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách có cơ hội kích thích tiền tệ và tài chính khi mối lo lạm phát giảm dần.
Việc Việt Nam kiểm soát thành công đại dịch có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh các lợi thế truyền thống là lao động giá rẻ, chính trị ổn định và vị trí địa lý gần gũi với Trung Quốc. Tập đoàn Samsung, nơi đặt 1/2 sản lượng điện thoại di động toàn cầu tại Việt Nam, đã chuyển một phần khối lượng sản xuất điện thoại nội địa của họ sang Việt Nam sau khi COVID-19 bùng phát ở Hàn Quốc. Giãn cách xã hội cũng đang giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi đất nước sang nền kinh tế kỹ thuật số. Đây được Chính phủ coi là trụ cột của tăng trưởng bền vững.
Đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến chương trình nghị sự quốc tế của Hà Nội trong năm 2020, khi Việt Nam trở thành ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ và Chủ tịch ASEAN. Hà Nội đã lên kế hoạch sử dụng những cơ hội này để đẩy mạnh các vấn đề như tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, khi các nước đang bận rộn đối phó với đại dịch, Việt Nam không thể triển khai chương trình hoạt động với các tổ chức này như mong đợi. Thậm chí, các chuyên gia Việt Nam còn kêu gọi gia hạn vai trò Chủ tịch ASEAN của Hà Nội thêm một năm nữa. Tuy nhiên, khó khăn luôn đi kèm với cơ hội. Nếu vươn lên mạnh mẽ từ đại dịch, Việt Nam có thể hối thúc các nước ASEAN tiếp tục phối hợp giải quyết các mối quan tâm chung.
Một cuộc khảo sát cho thấy 62% người Việt Nam được hỏi cho rằng Chính phủ đang ứng phó tốt với COVID-19 - mức cao nhất trong số 45 quốc gia được khảo sát. Tuy nhiên, tương lai còn ở phía trước. Việt Nam không được phép “ảo tưởng” rằng cuộc chiến chống “giặc COVID-19” sẽ sớm kết thúc.
Hoa Chanh

1 nhận xét: