Thứ Năm, 19 tháng 10, 2023

PHÊ PHÁN NHỮNG HÀNH VI XUYÊN TẠC VẤN ĐỀ DÂN CHỦ Ở NƯỚC TA

 

Nhận thức đúng đắn về khái niệm “dân chủ”, đấu tranh với luận điệu chống phá, xuyên tạc lợi dụng các quyền tự do ngôn luận để làm thay đổi đi bản chất một nhà nước dân chủ mà Đảng, nhà nước và nhân dân ta đang hướng tới. Chính vì thế, mỗi người cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân phải kiên quyết, không khoan nhượng với âm mưu, ý đồ, thủ đoạn của các thế lực thù địch, qua đó, khơi dậy sự chung sức, đồng lòng toàn dân tộc nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Gần đây, các thế lực thù địch liên tục đưa ra các luận điệu xuyên tạc tính chất dân chủ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chúng cho rằng, ở Việt Nam, Đảng Cộng sản độc quyền kiểm soát, sự độc đảng kéo theo nhiều thứ độc tài, độc đoán, chuyên quyền; rằng, trên nền độc tài đó, xã hội Việt Nam đương đại không có tự do dân chủ, Chính phủ Việt Nam ngăn cấm tự do thông tin, tự do hội họp, tự do báo chí, tôn giáo. Thông qua những luận điệu xuyên tạc trắng trợn này chúng muốn tạo sự đối lập giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chia rẽ Nhà nước với các tổ chức chính trị, xã hội trong hệ thống chính trị đất nước; chia rẽ Nhà nước với nhân dân.

Cần thấy rằng, hiện nay trên thế giới có nhiều mô hình nhà nước. Nhà nước dân chủ nhân dân, ở đó, quyền lực thuộc về nhân dân mà quốc hội là người đại diện. Nhà nước quân chủ nghị viện, ở đó, nhà vua là người đứng đầu quốc gia nhưng không nắm thực quyền. Nhà nước cộng hòa tổng thống, ở đó, tổng thống là nguyên thủ quốc gia, có quyền lực rất lớn không chỉ về hành pháp mà cả về lập pháp và tư pháp... Như vậy, dân chủ được thực hiện thông qua nhiều mô hình nhà nước. Do vậy, việc lấy một mô hình nhà nước nào đó để làm căn cứ phê phán có dân chủ hay không dân chủ là khiên cưỡng, áp đặt phi lý. Mặt khác, hiện tại mô hình một đảng lãnh đạo nhà nước không phải chỉ có ở Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa, mà còn có ở các quốc gia dân tộc không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa như Êritơria, Ghi nê, Mônacô.

 Thực tiễn lịch sử và toàn cảnh thế giới đương đại cho thấy, không thể lấy tiêu chí một đảng cầm quyền hay đa đảng là cơ sở, và càng không thể là cơ sở duy nhất để xem xét chất lượng nền dân chủ của một quốc gia, dân tộc. Ngay trong hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa cũng có những mô hình nhà nước khác nhau. Một số nước như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật,… tổ chức hệ thống chính trị theo hình thức đa đảng; thường là hai đảng trở lên có cơ hội trở thành đảng cầm quyền hoặc tham gia vào liên minh cầm quyền. Song, trong thực tế, hệ thống chính trị và các nhân vật cầm quyền nhà nước đều do một tập đoàn chính trị đầu sỏ và các tổ chức kinh tế tư bản thao túng; các tổ chức này có liên quan mật thiết với nhau về chính trị, kinh tế; cùng chi phối chính sách phát triển đất nước theo hướng mở rộng ảnh hưởng, củng cố sức mạnh, quyền lực và rốt cục phục vụ cho lợi ích của họ. Dù rằng ở nhiều nước tư bản hiện nay, do áp lực đấu tranh của nhân dân, giai cấp tư sản buộc phải điều chỉnh, cải cách dân chủ ở những mức độ nhất định. Họ buộc phải công nhận các lực lượng đối lập, kể cả các đảng cộng sản; song về bản chất, chế độ dân chủ đó vẫn là dân chủ tư sản bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản. 

Bám lấy một số hiện tượng được coi như “thành tựu” của cải cách dân chủ, các lý luận gia tư sản không ngớt ca ngợi chế độ tam quyền phân lập ở Mỹ, coi đó là nền dân chủ hoàn chỉnh. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, trong thực tế ở Mỹ có nhiều đảng chính trị, nhưng rốt cục quyền lực chỉ thuộc về hai đảng - Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà thay nhau cầm quyền. Cả hai đảng này đều là đại diện cho những tập đoàn tư sản Mỹ, họ vừa tranh giành, vừa thoả hiệp để cùng nhau thực hiện dân chủ cho giai cấp tư sản, vì giai cấp tư sản Mỹ. Ở họ có sự thống nhất cao trong xác định và góp phần thiết lập, củng cố những mục tiêu chiến lược của nước Mỹ: thứ nhất, nước Mỹ phải có được quyền lực để giữ gìn an ninh của mình; thứ hai, nước Mỹ phải đủ sức thiết lập và lãnh đạo trật tự thế giới; thứ ba, đem lại sự phồn vinh cho nước Mỹ theo nguyên tắc tư bản chủ nghĩa và thứ tư, áp đặt các giá trị tự do, dân chủ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cho toàn thế giới. Thực tế này góp thêm một minh chứng, chế độ một đảng hay đa đảng chỉ là hình thức trực tiếp của thực hành dân chủ. Ở các nước phương Tây, tuy thực hiện chế độ đa đảng, nhưng chỉ có đảng nào chấp nhận con đường tư bản chủ nghĩa, có đủ uy lực đại diện và mang lại lợi ích cho những tập đoàn tư sản hay giới tài phiệt thì mới có cơ hội cầm quyền. Như vậy, đa đảng đua tranh ảnh hưởng, quyền lực chỉ là hình thức; bảo đảm sự độc tôn thống trị xã hội và lợi ích của giai cấp tư sản mới là nội dung cốt tử không bao giờ thay đổi ở các quốc gia tư bản chủ nghĩa.  

Xem xét một quốc gia dân tộc nào đó có dân chủ hay không dân chủ, suy cho cùng, vấn đề cốt tử nhất là xem nhà nước đó có thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân hay không; hệ thống pháp luật của nhà nước đó có bảo đảm thực thi quyền lực chính trị của nhân dân hay không? Lý luận Mác - Lênin và thực tiễn lịch sử đã minh chứng, dân chủ xã hội chủ nghĩa là sự phát triển về chất so với các hình thức, chế độ dân chủ trước đó. Vì nền dân chủ này nhằm tiến tới giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Dân chủ xã hội chủ nghĩa chính là sự thể hiện quyền con người của cá nhân và cộng đồng ở mức cao nhất.

Ở Việt Nam, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đó là một nhà nước dân chủ, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã thay thế nhà nước thuộc địa phong kiến. Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, do nhân dân bầu thông qua bầu cử tự do; tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục đích hoạt động.

Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm: nếu trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân thì dân chủ là của quý báu nhất trên đời của nhân dân; dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ. Quan niệm đó thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa tính nhân văn và tính pháp lý của dân chủ, được thể hiện thống nhất trong Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được xây dựng và thực hiện theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan của nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo phương châm dân chủ, công khai. Quốc hội đã thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quyền lập hiến và lập pháp; quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước; quyền quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ở nước ta, nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ xã hội, tham gia vào việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội không chỉ thông qua Nhà nước mà còn thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hiến pháp Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp, tự nguyện của các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước. Nhà nước tạo điều kiện để mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả”. Với những yếu tố trên có thể khẳng định, Nhà nước ta là nhà nước của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm đất nước đổi mới, Đảng ta xác định, cải cách nền hành chính nhà nước là trọng tâm của việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước. Mục tiêu của cải cách hành chính nhà nước là nhằm xây dựng củng cố nền hành chính trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế, nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cùng với việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội đã có sự đổi mới. Các tổ chức xã hội đã thực hiện ngày càng tốt hơn các hoạt động tham gia thành lập các cơ quan nhà nước và tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan đó. Giáo dục hội viên chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức, năng lực của người làm chủ; thu thập, phản ánh ý kiến nhân dân, đề xuất với cấp uỷ đảng, cơ quan nhà nước những chủ trương, giải pháp xây dựng bộ máy nhà nước các cấp; tham gia vào việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Các văn bản pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ, về lao động, việc làm, tiền lương, thu nhập, về văn hoá, giáo dục - đào tạo, về y tế và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, về dân số, dân tộc, tôn giáo, miền núi…. về cơ bản đã phù hợp với xu thế dân chủ hoá trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo ra không khí xã hội cởi mở, dân chủ, quy tụ được sự đồng thuận xã hội; phát huy được tiềm năng sáng tạo và khơi dậy truyền thống dân tộc, tạo động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII tiếp tục khẳng định: Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được xây dựng và thực hiện theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (Điều 2); Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện (Điều 3); Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng... Trách nhiệm của Đảng phải “gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” (Điều 4); Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu hách dịch, cửa quyền” (Điều 8)... Những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 2013 là kết tinh trí tuệ, ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta một lần nữa khẳng định cơ sở pháp lý và sự phát triển, hoàn thiện không ngừng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Từ một số vấn đề lý luận và thực tiễn đã đề cập trên đây đòi hỏi chúng ta phải nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu phá hoại của các thế lực thù địch cách mạng nước ta. Mọi ý đồ thâm hiểm của những luận điệu xuyên tạc cho rằng, ở Việt Nam không có dân chủ, là hòng gây mất ổn định chính trị, phá hoại thành quả của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, nhân dân ta đã đổ bao xương máu mới giành được. Dã tâm của các thế lực thù địch là muốn loại bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi đời sống chính trị đất nước; xóa bỏ chính quyền cách mạng, đưa đất nước ta đi theo mô hình tự do dân chủ tư sản; phá hoại niềm tin của nhân dân và của dân tộc đối với nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đã được dày công xây dựng và khẳng định tính ưu việt trong đời sống xã hội Việt Nam. Mục tiêu của chúng là muốn từng bước tách Đảng, Nhà nước khỏi các tầng lớp nhân dân, tạo sự đối lập giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, phá vỡ cơ sở xã hội - giai cấp của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, lôi kéo nhân dân vào các hoạt động chống lại Đảng, Nhà nước, đưa đất nước ta chuyển sang quỹ đạo của nền dân chủ tư sản.

Mặt khác, tình hình thế giới gần đây cho thấy, xuyên tạc, lợi dụng vấn đề dân chủ là một chiêu bài, một thủ đoạn mà các thế lực hiếu chiến đã và đang thực hiện để làm sụp đổ, gây nội chiến ở các quốc gia dân tộc mà chúng cho rằng không đi theo mô hình của nền dân chủ tư sản. Những gì xảy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và các nước Trung Đông, Bắc Phi hiện nay là một minh chứng rõ ràng cho mưu đồ thâm hiểm của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ để can thiệp, lật đổ chính quyền của các quốc gia dân tộc không đi theo “gậy chỉ huy” của chúng. Điều đó, giúp chúng ta hiểu rõ và cảnh giác hơn trước âm mưu, thủ đoạn, dã tâm thâm hiểm của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét