Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020


Nêu cao bản lĩnh cán bộ, đảng viên ứng phó các sự cố phát sinh trong xã hội
            Trong thời đại ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, con người được làm việc và hưởng thụ với những điều kiện tốt nhất nhưng cũng phải cũng phải đối phó với nhiều vấn đề xã hội phức tạp như vấn nạn ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; tin tức giả, tin đồn tràn lan trên mạng xã hội; nhiều tệ nạn xã hội và tội phạm mới phát sinh… Trong đó, đáng quan ngại hơn là nguy cơ bệnh dịch lan truyền một cách nhanh chóng, rộng rãi, đe dọa đến tính mạng của người dân nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều loại dịch bệnh, như: Sars, cúm gà, dịch tả lợn châu Phi… đã xảy ra và gây cho chúng ta nhiều hệ lụy nhưng chưa bao giờ thế giới cảm thấy khó khăn vất vả như trong việc phòng chống dịch Covid-19 hoành hành tại hơn 200 quốc gia hiện nay, trong đó có Việt Nam.
           Đi trước, đón đầu luôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trước diễn biến đại dịch. Ngay từ khi Trung Quốc phát hiện đại dịch. Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp từ Trung ương đến địa phương, ban hành hàng loạt các chỉ thị chỉ đạo, công điện hỏa tốc yêu cầu các cấp, các ngành và toàn xã hội phải nỗ lực bằng mọi giá để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này, coi việc phòng, chống dịch có tính cấp bách, khẩn trương, quyết liệt như phòng, chống giặc. Chấp hành, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã và đang tập trung sức lực, thực hiện các biện pháp đồng bộ, ráo riết, quyết liệt nhằm phòng, chống dịch bệnh này hiệu quả nhất, góp phần bảo đảm ổn định cuộc sống, lao động sản xuất của nhân dân và giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội. Các lực lượng trong xã hội đã không ngại khó khăn, gian khổ với quyết tâm cao nhất để hạn chế đại dịch lây ra, từ biên giới đến thành thị nơi nào cũng nêu cao tinh thần chống dịch như chống giặc.
          Trong khi toàn xã hội đang chung sức đồng lòng phòng, chống dịch Covid gây ra, thì vẫn có một số người, trong đó có cả đảng viên, công chức, viên chức sử dụng mạng xã hội đưa những thông tin trái chiều, thật-giả lẫn lộn, gây nhiễu dư luận, thậm chí có những phản ứng không đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ. Chẳng hạn, một số công dân từ nước ngoài về tránh dịch mặc dù được nhà nước quan tâm, chữa trị cho mình nhưng vẫn có ý kiến chê bai lòng tốt của đất nước, tung tin thất thiệt về nơi này có dịch, nơi kia có người mắc bệnh, nơi khác sắp có người tử vong do dịch bệnh để gây hoang mang dư luận… một số cơ sở kinh doanh bất chấp đạo lý, pháp luật, vì lợi nhuận trước mắt tự ý đội giá bán sản phẩm y tế gấp, lương thực thực phẩm để lừa những người nhạ dạ, cả tin nhằm thu lợi cho mình gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong thực thi công vụ, giải quyết công việc chống dịch
          Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, khi mạng xã hội trở thành “diễn đàn tự do” toàn cầu thì không ít người tự cho mình cái quyền ảo tưởng là “nhà báo công dân”, “diễn giả”, “nhà bình luận”, thậm chí cả cái gọi là “nhà đấu tranh dân chủ”, “nhà hoạt động vì nhân quyền”..., lợi dụng tự do ngôn luận để gặp đâu nói đấy, nói cho hả dạ, nói cho sướng mồm, nói để câu view, câu like nhằm mục đích nhiều người biết đến để bán hàng online, hoặc muốn “nổi tiếng” theo kiểu “đốt đền” thì tự mình gánh chịu hậu quả. Thực tế cho thấy, thời gian qua có một số sự cố phát sinh, dịch bệnh, điểm nóng xảy ra trong đời sống xã hội, một số người hoặc là do thiếu thông tin, hoặc do ý đồ thiếu lành mạnh đã có những lời nói, phát ngôn, bình luận, chia sẻ sai trái, lệch lạc, thất thiệt trên mạng xã hội, vì thế đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, thậm chí bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự theo luật định.
          Sống trong thể chế xã hội nào cũng vậy, đội ngũ quan chức, công chức nhà nước phải luôn lấy kỷ cương phép nước làm trọng, thượng tôn pháp luật, ứng xử đúng mực, công tâm trước các sự cố, biến cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Được nhân dân ủy thác quyền lực nhà nước để quản lý, điều hành mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên ở nước ta cũng không đứng ngoài thông lệ đó. Khi xã hội, đất nước phải đối mặt với những tình huống, sự cố ngoài ý muốn xảy ra đối với cộng đồng, không chỉ lãnh đạo cấp cao, mà mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên từng cương vị, chức trách cũng phải nhận thức thấu đáo bổn phận “công bộc”, “đầy tớ” trung thành của nhân dân và đề cao trách nhiệm chính trị để làm điểm tựa vững vàng, chắc chắn cho đồng bào, chiến sĩ trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.
          Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Cán bộ, đảng viên cần bày tỏ thái độ bình tĩnh, ý chí kiên định, không hề nao núng, dao động trước những tình huống phức tạp, sự cố phát sinh như dịch bệnh, thiên tai… không may xảy ra trong xã hội; đồng thời chung tay, góp sức để cùng cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp kiên quyết đẩy lùi nguy cơ, giảm thiểu thiệt hại, góp phần ổn định tình hình theo chiều hướng tích cực. Đó vừa là bổn phận, trách nhiệm công dân, vừa là đạo đức, lương tâm của người cộng sản.
TMT 03.4.20


1 nhận xét: