Gần đây, sự xuất hiện của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ nói riêng
và các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp nói chung không phải là vấn đề mới xuất
hiện tại Việt Nam, tuy nhiên ở mỗi giai đoạn lại có những biểu hiện khác nhau,
mức độ ngày càng tinh vi hơn. Không chỉ co cụm ở một khu vực, nhiều tà đạo nuôi
tham vọng tỏa đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để lôi kéo nhiều người
tham gia, gây những hệ lụy tiêu cực. Đáng chú ý một số tà đạo tìm mọi cách xâm
nhập, len lỏi sâu vào khu vực đô thị - vốn là nơi thường được coi là có trình
độ dân trí cao hơn mặt bằng chung cả nước.
Việc xây dựng “triết lý” của một số tà đạo hiện nay cũng hết sức
tinh vi, thể hiện bằng việc vay mượn hoặc dựa trên những giáo lý của các tôn
giáo chính thống và hướng lái người nghe theo ý đồ của mình. Đây chính là lý do
nhiều người có trình độ học vấn vẫn có thể sa vào “vòng tay” tà đạo. Các tà đạo
triệt để tận dụng phương thức truyền bá mới thông qua ứng dụng công nghệ để xây
dựng, quảng bá và “đánh bóng” hình ảnh, đặc biệt là hình ảnh về các hoạt động
từ thiện, cứu trợ, hành động vì môi trường...
Mạng xã hội là kênh chủ lực để họ tìm kiếm, phát triển hệ thống
“tín đồ”. Đây chính là một trong những lý do khiến những tà đạo “thế hệ mới”
bám rễ và phát tán nhanh chóng tại đô thị. Phương thức tiếp cận đối tượng
thường “đánh” vào nhu cầu tâm lý của con người như việc cần sự chia sẻ, cảm
thông trong cuộc sống; trao đổi về vấn đề sức khỏe, hoặc căn cứ theo câu chuyện
của đối tượng để dẫn dụ… Với những người dân thiếu thông tin, thiếu hiểu biết,
bị tà đạo lôi kéo, việc “giải thoát” họ có phần thuận lợi hơn.
Sau khi đã lôi kéo được đông người tham gia, các tà đạo dần bộc
lộ tính chất mê tín, dị đoan, phản khoa học, đi ngược văn hóa, thuần phong mỹ
tục của dân tộc, như phỉ báng tục thờ cúng tổ tiên, hiếu kính ông bà cha mẹ.
Đồng thời, nếu ban đầu việc đi theo một số hội nhóm tà đạo là miễn phí, nhưng
dần dần, người tham gia sẽ phải đóng phí, càng lên lớp cao, mức phí càng nhiều.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn
trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo và không theo tôn
giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn
giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phải nằm trong
khuôn khổ pháp luật. Đồng thời, Đảng, Nhà nước cũng kiên quyết ngăn chặn tà đạo
và những đối tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để xâm phạm an ninh quốc gia,
chủ quyền lãnh thổ, xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Ngăn chặn tà đạo “thế hệ
mới” không phải nhiệm vụ dễ dàng, đòi hỏi phải có những cách tiếp cận mới phù
hợp thực tiễn hiện nay. Theo đó, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cũng
như mọi người dân cần đề cao cảnh giác, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời
hoạt động bất hợp pháp của các tà đạo, nhất là trên không gian mạng để xử lý
nghiêm theo pháp luật./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét