Trong lịch sử loài người, mọi cuộc chiến tranh xâm lược dù ở phương Đông hay phương Tây cũng đều có chung một tình trạng là sức mạnh quân sự chỉ là khâu đột phá, còn sức mạnh văn hóa mới bảo đảm cho quá trình xâm lược được hoàn tất. Có một thực tế không thể bác bỏ được rằng, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần để phát triển dân tộc, văn hóa đồng thời là công cụ bảo vệ dân tộc. Một dân tộc có thể mất Tổ quốc vẫn có thể giữ gìn được văn hóa, nhưng một dân tộc bị nước ngoài lũng đoạn văn hóa thì dân tộc đó sẽ mất tất cả.
Nhìn chung, các biện pháp cưỡng bức bạo lực tỏ ra kém hiệu quả
nên xâm lăng quân sự thường đi liền với xâm lăng văn hóa. Vì thế không ít dân
tộc bị mất dần các giá trị văn hóa ngay trên chính Tổ quốc mình. Và chỉ có dân
tộc nào xây dựng được nội lực văn hóa mạnh mẽ mới vượt qua sự “bức tử văn hóa”
từ bên ngoài. Vì vây, không phải ngẫu nhiên mà “diễn biến hòa bình” lấy văn hóa
làm trọng điểm tiến công nhằm làm băng hoại, làm chệch hướng xã hội ở Việt Nam.
Cuộc tiến công văn hóa của “diễn biến hòa bình” ít nhất có thể nhận thấy trên
hai bình diện: Một là thủ đoạn gây nên tình trạng “tự diễn biến” theo các giá
trị văn hóa phương Tây đẩy tới tình trạng “tự diễn biến về chính trị”. Hai là
thủ đoạn sử dụng văn minh vật chất và truyền bá thông tin một chiều với mục
đích gây hoang mang, mất phương hướng trong đời sống tinh thần xã hội, trong
tâm lý cộng đồng, làm con người xa rời lý tưởng.
Bằng văn hóa, “diễn biến hòa bình” thẩm thấu vào các giá trị xã
hội, vào lối sống, làm con người sao nhãng nghĩa vụ, khơi dậy những bản năng
thấp hèn, quyến rũ họ chạy theo lạc thú, chạy theo lợi ích vật chất mà khô cạn
tình người, quay lưng với truyền thống và quên đi tấm "căn cước văn hóa
dân tộc".
Từ những dao động mơ hồ đến ý thức chống đối, đó là lộ trình, là kịch bản của cuộc xâm lăng văn hóa mà về cơ bản là “mưa dầm thấm lâu”. Xâm lăng văn hóa không dễ nhận thấy trong đời thường, đôi khi, căn cứ vào diện mạo bên ngoài sẽ dễ dàng bỏ qua. Nên cần nhận thức rằng những biện pháp kỹ thuật của “diễn biến hòa bình” trước đây khá lặng lẽ thì nay đang dần dần công khai, lộ liễu dưới những hình thức tinh xảo để gây nên một thứ nghiện ngập thái quá, một thứ ma túy đầy cám dỗ. Sự thách thức lớn nhất của xâm lăng văn hóa là “chiến lược giành dân”, trong đó, trước hết thông qua phương tiện nghe nhìn. Trong thế giới có hệ thống thông tin đã phủ sóng toàn cầu, nó len lỏi vào tận giường ngủ của từng gia đình thì nó cũng bị người ta sử dụng nhằm lung lạc tư tưởng và ý chí dân tộc.
Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã trở thành một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Lời giải cho bài toán “hội nhập nhưng không hòa tan” chỉ có thể tìm thấy từ một môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh và lòng tự tôn dân tộc phải tiếp tục là “bộ gien di truyền”, tiếp tục là “bộ chỉnh” bên trong của văn hóa. Cho nên, một chiến lược văn hóa sẽ thành công khi văn hóa trở thành sự tự ý thức trong mỗi người dân Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét