Kế thừa truyền thống coi trọng đạo đức của văn hóa dân tộc, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về đạo đức cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức là “gốc” của người cách mạng; và do đó, xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng Đảng từ “gốc”. Người yêu cầu, Đảng Cộng sản Việt Nam phải là hiện thân của “danh dự và lương tâm của dân tộc”(1), “là đạo đức, là văn minh”. Tư tưởng xây dựng Đảng về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng lý luận cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong suốt hơn 93 năm qua. Dù vậy, đạo đức là một phạm trù lịch sử; bên cạnh các giá trị trường tồn thì sự biến đổi của hoàn cảnh cũng đòi hỏi các chuẩn mực đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên được bổ sung, phát triển. Do đó, xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh đang là yêu cầu cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng đạo đức cách mạng. Vì thế, có học giả nổi tiếng đã khẳng định: “Quả có một đạo đức học Hồ Chí Minh”(2). Với tầm nhìn của nhà tư tưởng lớn và lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận vai trò của đạo đức cách mạng dưới nhiều góc độ: Đạo đức là gốc của người cách mạng, là điều kiện để vươn tới tài năng, là điều làm nên sức hấp dẫn của một học thuyết cách mạng và uy tín của một đảng cách mạng trước nhân dân. Từ đó, Người đi đến kết luận: “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”(3).
Đạo đức của Đảng được biểu hiện qua nhân cách đạo đức của đội ngũ đảng viên và đạo đức của mỗi đảng viên lại phản ánh một phần diện mạo đạo đức của Đảng. Do đó, xây dựng Đảng về đạo đức thực chất là làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thấm nhuần và thực hành các chuẩn mực đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Ta xây dựng con người cũng phải có ý định rõ ràng như nhà kiến trúc”(4), tức là phải có định hướng rõ ràng về tiêu chí, chuẩn mực. Chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên thực chất là các giá trị đạo đức cộng sản đã được cụ thể hóa vào thực tiễn Việt Nam và trở thành cái để phân biệt người đảng viên với đông đảo quần chúng nhân dân. Việc xác định chuẩn mực đạo đức cách mạng là vấn đề đặc biệt quan trọng; bởi vì, đó chính là quá trình hiện thực hóa hình mẫu con người đại diện cho lý tưởng cộng sản, cho chế độ tốt đẹp mà Đảng ta đang xây dựng.
Với tư duy mềm dẻo, linh hoạt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn cứ vào hoàn cảnh thực tế mà nêu ra các chuẩn mực đạo đức cách mạng. Phần nhiều, Người nói về tứ đức là “cần, kiệm, liêm, chính”. Cũng có lúc, Người xác định “đạo đức cách mạng phải có 5 điều: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm”(5). Hoặc cũng có lần, Người nói đạo đức cách mạng “gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”(6). Tựu trung lại, đạo đức cách mạng được thể hiện rõ trong các mối quan hệ lớn; đó là: Với Tổ quốc và nhân dân thì phải trung - hiếu, với tự mình thì phải cần, kiệm, liêm, chính; với công việc thì phải chí công vô tư; với con người thì phải yêu thương; với nhân loại thì phải có tinh thần quốc tế trong sáng... Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức cách mạng thể hiện tinh thần nhân văn, cách mạng, bởi đã nâng cao yêu cầu với đội ngũ cán bộ, đảng viên và góp phần đào luyện ra “lớp cán bộ vàng” cho cách mạng Việt Nam.
Sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam trong hơn 36 năm qua đã tạo ra bước ngoặt tích cực, đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, sự “lên ngôi” của đồng tiền - hệ quả của nền kinh tế thị trường sơ khai và sự kém tu dưỡng, rèn luyện đạo đức đã làm một bộ phận cán bộ, đảng viên bị suy thoái về đạo đức, lối sống. Điều này khiến cụm từ “tình trạng suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên” được nhắc đến liên tục trong văn kiện của 5 kỳ đại hội Đảng gần đây. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””(7). Vì vậy, nếu sự suy thoái về đạo đức không được ngăn chặn kịp thời, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, làm xói mòn hệ giá trị đạo đức mà dân tộc ta và Đảng ta đã dày công xây dựng. Đồng thời, việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức là vấn đề thời sự, nóng bỏng, còn bởi lẽ, pháp luật dù có hoàn hảo đến đâu cũng chỉ xử lý được khi cái sai, cái xấu, cái ác đã hiện hình, đã gây ra tổn hại; chỉ có chuẩn mực đạo đức khi thấm sâu thành lẽ sống, mới có tác dụng phòng ngừa, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tránh khỏi sai lầm. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Pháp luật không trị hết được. Tự mình phải gây ra cái pháp luật để trị mình”(8), tức là tự mình phải luôn lấy các chuẩn mực đạo đức để “tự soi” chính mình hằng ngày, hằng giờ.
LHQ-ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét